Thích hợp với vùng đất nắng gió, thanh long từng được mệnh danh là loại cây trồng “xóa đói, giảm nghèo”, thời kỳ đỉnh cao còn ví như cây “làm giàu” của một bộ phận nông dân Bình Thuận.
Chính vì vậy trong giai đoạn 2011 – 2020, diện tích thanh long toàn tỉnh đã tăng từ 18.616 ha lên khoảng 33.750 ha, tương ứng sản lượng tăng từ gần 397.600 tấn lên hơn 698.000 tấn/năm. Nhờ đó giúp cải thiện thu nhập đáng kể cho gần 30.000 hộ dân và góp phần tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đồng thời là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng nông sản ở địa phương.
Tuy nhiên những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn bởi giá bán thấp trong khi chi phí lao động, phân bón… ngày càng tăng. Bên cạnh đó, năng suất trung bình trên 1 ha thanh long lại có xu hướng giảm dần mà nguyên nhân chủ yếu do giống bị thoái hóa, khai thác quá mức dẫn đến cây bị suy kiệt và giảm khả năng chống chịu với sâu bệnh. Đặc biệt là tình trạng dịch bệnh trên cây thanh long chưa có giải pháp xử lý triệt để, theo số liệu điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận thì có đến 19 đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng này. Trong đó có 6 đối tượng sâu bệnh gây hại chính: Ruồi đục quả, rệp sáp (đối tượng kiểm dịch thị trường các nước Đông Nam Á), ốc sên, bệnh thối rễ chết cành, bệnh thán thư và bệnh đốm nâu. Thực tế cũng cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nên sản xuất nông nghiệp nói chung và người trồng thanh long nói riêng đã khó càng thêm khó. Và từ năm 2021, cả diện tích lẫn sản lượng thanh long Bình Thuận bắt đầu giảm dần xuống còn khoảng hơn 27.780 ha với sản lượng 594.000 tấn vào năm 2022…
Ngoài những khó khăn nêu trên, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận cũng phải cạnh tranh với thanh long từ các tỉnh, thành khác như Tiền Giang, Long An (nơi có vùng trồng thanh long tập trung) và hơn 30 địa phương trồng được loại cây này với quy mô từ 100 – 300 ha… Thêm vào đó, diện tích thanh long trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng lên, riêng Trung Quốc – thị trường truyền thống, chủ lực về nhập khẩu thanh long của Việt Nam đã tăng nhanh diện tích đáng kể trong thời gian qua. Với Ấn Độ được xem là thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng nhằm phục vụ nhu cầu trong nước với diện tích từ 3.000 – 50.000 ha trong 5 năm tới.
Thế nên dự báo thời gian đến, đầu ra cho trái thanh long Bình Thuận có thể gặp nhiều thách thức do liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ hiện chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Trong khi tiêu thụ nội địa chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15% sản lượng và còn lại 85% được xuất khẩu (đến nay thanh long Bình Thuận đã xuất qua hơn 20 thị trường, chủ yếu là châu Á). Nhưng trong xuất khẩu khoảng 2 – 3% là xuất chính ngạch, còn lại 97 – 98% được mua bán theo hình thức biên mậu với thương nhân Trung Quốc, hoặc bán cho doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu…
Để duy trì và phát huy thương hiệu cho sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, hiện địa phương đã xúc tiến xây dựng “Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) cũng tổ chức cuộc họp cho ý kiến để qua đó UBND tỉnh sớm ban hành Quyết định phê duyệt đề án này. Mục tiêu hướng đến là ổn định diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 25.000 ha (chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân) cũng như thay thế những vườn thanh long già cỗi, năng suất và chất lượng thấp. Đồng thời phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh, biến đổi khí hậu và kêu gọi đầu tư hình thành các nhà máy chế biến đa dạng sản phẩm từ trái thanh long. Ngoài ra còn gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước để góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập cao và tăng giá trị xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận.