Để phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã quan tâm hỗ trợ, tư vấn và khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng, công nghệ số. Qua đó để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp…
Chú trọng phát triển kinh tế số
Sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh đã đạt được không ít kết quả về chuyển đổi số. Riêng với ngành nông nghiệp tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một trong những kết quả đạt được trong thực hiện chuyển đổi số, đó là thời gian qua sở đã triển khai quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, hỗ trợ 155.000 tem điện tử QRCode để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm khi lưu thông ngoài thị trường cho 5 cơ sở. Trong đó 75.000 tem cho 2 cơ sở xây dựng kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 3 cơ sở hỗ trợ sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức hội nghị hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử cho các cơ sở, doanh nghiệp toàn tỉnh. Song song hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở giới thiệu, quảng bá nông sản, thủy sản trên website của sàn thương mại điện tử Bình Thuận…
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm qua, ngành thực hiện chuyển đổi số thuộc gói Chuyển đổi số cho lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long Bình Thuận thuộc chương trình Dự án UNDP. Cụ thể, phát triển một phần mềm nhật ký sản xuất có chức năng theo dõi dấu chân carbon, chạy trên thiết bị di động (app) và máy tính. Ứng dụng này được đánh giá dễ dùng, dễ áp dụng cho nông dân. Song song, đầu tư xây dựng 1 cổng thông tin điện tử để giới thiệu và cung cấp các thông tin về sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận, đảm bảo khả năng kết nối với nhiều cổng thông tin của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh…
Các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số
Từ kết quả bước đầu thực hiện, cho thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào điều hành, quản lý sẽ giúp việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số còn giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung – cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, từ đó, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và có tính bền vững hơn. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp thông minh nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, lĩnh vực chuyển đổi số là nội dung lớn, còn khá mới mẻ, vì vậy việc tiếp cận, hiểu và tham mưu chuyển đổi số cho từng đơn vị, từng lĩnh vực còn khá lúng túng. Trong khi nguồn nhân lực có chuyên môn sâu để tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số tại một số đơn vị còn hạn chế. Một số chỉ tiêu trong chương trình chuyển đổi số khó đánh giá như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp và PTNT; tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sử dụng nền tảng chuyển đổi số…
Theo định hướng của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng dùng chung của tỉnh, nền tảng số quốc gia được triển khai và đưa vào sử dụng. Đồng thời triển khai sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Hiện tại Sở Nông nghiệp và PTNT cần thực hiện 2 dự án bức xúc, cần ưu tiên triển khai ngay trong giai đoạn 2023 – 2025, đó là xây dựng phần mềm, app quản lý sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản…) và dự báo thị trường, trong đó bao gồm các dự án thành phần quản lý chuyên ngành của các đơn vị trực thuộc sở cần phải ưu tiên. Song song xây dựng dữ liệu bản đồ nông hóa – thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số…