Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận cấu thành trong các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là một công việc nằm trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách nên có vị trí rất quan trọng. Chính vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là việc làm hết sức cần thiết.
“Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Quan điểm này đã thấm nhuần đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh. Nhờ vậy, thời gian qua, các cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, địa phương đã nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các vụ việc phức tạp, dư luận báo chí và nhân dân quan tâm đều được các cấp ủy, các cấp, ngành vào cuộc, trực tiếp xử lý vụ việc. Từ đó đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, ổn định tình hình nội bộ và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; kỷ luật, kỷ cương của Đảng được tăng cường; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Hàng năm, căn cứ vào chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và bổ sung khi có kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các đoàn kiểm tra, giám sát do đồng chí Bí thư, Phó Bí thư hoặc ủy viên thường vụ cấp ủy chủ trì, tiến hành kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm trọng điểm, chú ý những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; công tác giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị được chú trọng; các ban xây dựng Đảng và văn phòng cấp ủy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ngày càng tốt hơn.
Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa theo kịp được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đồng đều. Chẳng hạn như, tiến độ kiểm tra, giám sát một số nội dung của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp còn chậm so với chương trình, kế hoạch đề ra và chỉ đạo của cấp trên. Một số ít cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nguyên tắc, thủ tục, quy trình xem xét thi hành kỷ luật ở một vài khâu chưa bảo đảm, chưa chặt chẽ, nhất là khâu thẩm tra, xác minh, dẫn đến có trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật chưa phù hợp với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, nên qua giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng và qua kiểm tra việc thi hành kỷ luật phải thay đổi và đề nghị thay đổi hình thức kỷ luật. Một số cấp ủy chọn đối tượng kiểm tra, giám sát chưa đúng theo phạm vi quản lý. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ tổ chức Đảng vẫn còn là khâu yếu. Một số ủy ban kiểm tra còn thụ động, nghe ngóng, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy, nhất là trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Muốn tăng hiệu quả lãnh đạo thì rất cần đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề xuất một số giải pháp, trong đó tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát; quan tâm nhiều hơn công tác nắm bắt thông tin, khảo sát tình hình và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát cần quan tâm đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, dự án, hoạt động của các dự án đầu tư có xây dựng, các hoạt động tài chính, công tác cán bộ, kê khai tài sản thu nhập. Chú trọng kiểm tra các đối tượng là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành theo phân cấp quản lý; chú ý làm tốt công tác giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận sau kiểm tra; tập trung chỉ đạo khắc phục, rà soát các trường hợp tương tự đối với các khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra, nhất là những khuyết điểm vi phạm theo Thông báo kết luận số 252-TB/UBKTTW, ngày 17/3/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự kiểm tra, nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cấp mình quản lý. Chi bộ tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của đảng viên từ khi mới manh nha để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm trong nội bộ, ngay tại cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu 3 điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” và “Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.