Qua 10 năm triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị – xã hội đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
Kết quả tích cực
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội; 10 năm qua, các cấp, các ngành đã bám sát các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi rõ, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về công tác giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội được phát huy. Từ năm 2013 – 2023, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã định hướng, phê duyệt gần 5.900 nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng việc cụ thể hóa Quyết định số 217 và các văn bản chỉ đạo có liên quan của cấp trên. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, ý nghĩa, mục đích được nêu trong Quyết định số 217 tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Về phía MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã đưa công tác giám sát, phản biện xã hội trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và từng bước nâng dần chất lượng, hiệu quả. 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 11.000 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân. Thông qua đó, kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp và kiến nghị một số nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217 đó là các cấp, các ngành cần quán triệt sâu kỹ, nắm vững đầy đủ ý nghĩa, nội dung, phương pháp thực hiện và các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cụ thể hóa từng vấn đề, sao cho dễ tiếp cận, dễ nhớ, thuận tiện trong thực hiện. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo chặt chẽ và cụ thể hóa văn bản cấp trên thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng và phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện để kịp thời định hướng, chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền, các ngành phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân; tôn trọng và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Để thực hiện tốt Quyết định số 217, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ban, ngành tập trung tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của MTTQVN và tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Tuyên truyền cho các đối tượng được giám sát, phản biện xã hội thấy rõ được lợi ích, tác dụng tích cực của công tác giám sát, phản biện xã hội mang lại.
Bên cạnh đó, thực hiện việc chọn chủ đề, giao nhiệm vụ, tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội một cách khoa học, sát với nhu cầu của đoàn viên, hội viên và nhân dân; sát với thực tiễn, tình hình của địa phương, đơn vị để công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào thực chất, tránh hình thức. Chú trọng thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh các tổ chức, cơ quan không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội…