Du khách có thể đến thăm lầu ông Hoàng, tháp cổ của người Chăm Po Sah Inư hoặc hòa mình vào cuộc sống người dân làng chài Mũi Né.
Lầu ông Hoàng
Lầu ông Hoàng tọa lạc trên một ngọn đồi ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Du khách đến trung tâm thành phố Phan Thiết, đi thẳng vào đường Nguyễn Thông, đi hết con dốc mang tên lầu ông Hoàng, khách tham quan sẽ thấy bảng chỉ dẫn “Di tích tháp Poshanu”. Lầu ông Hoàng nằm bên trong quần thể tháp này, xung quang là biển, sông, núi đồi, chùa tháp rộng lớn.
Di tích lầu ông Hoàng. Ảnh: VinWonders
Từ năm 1911, đây là nơi nghỉ dưỡng của công tước người Pháp – De Montpensier. Đây là ngôi biệt thự đẹp, tiện nghi, hiện đại bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Dưới căn biệt thự là hầm chứa nước mưa rộng, đủ dùng trong 1 năm, ban đêm có máy phát điện. Tên gọi Lầu Ông Hoàng được người dân nơi đây đặt, nói về đẳng cấp, sang trọng của công trình và vị công tước người Pháp.
Lầu ông Hoàng những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: VinWonders
Vài chục năm sau, khi nhà thơ Hàn Mạc Tử đến đây đã để lại những vần thơ. Đây cũng là nơi hẹn hò của cố thi sĩ và nàng Mộng Cầm. Du khách đến đây có thể ngắm trọn cảnh bình minh và hoàng hôn.
Tháp Pô Sah Inư Phố Hài
Nhóm đền tháp Chăm Phố Hài cao 5-15 m, nằm trong khuôn viên 9 ha trên đồi Bà Nài, liền kề thắng cảnh phế tích Lầu Ông Hoàng, cách trung tâm TP Phan Thiết 7 km. Tháp được xây dựng đầu thế kỷ thứ IX theo phong cách Hòa Lai, mang đậm dấu ấn thời hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa. Đây là nơi thờ thần Siva. Đến thế kỷ XIV, người Chăm xây thêm xung quanh tháp chính nhiều đền thờ Pô Sah Inư – tương truyền bà là công chúa con vua Parachanh, là chị ruột của vua Pô Kathit.
Lễ Katê diễn ra ở tháp Chăm Pô Sha Inư. Ảnh:Việt Quốc
Năm 1991, nhóm đền tháp này được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Hải đăng Kê Gà
Đây là ngọn hải đăng cổ và cao nhất Đông Dương do người Pháp xây dựng vào năm 1897, tọa lạc trên mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Địa điểm này cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km, là điểm check – in ưa thích của du khách khi đến Bình Thuận. Để lên được hải đăng, du khách phải đi cano ra đảo, cách đất liền khoảng 500 mét. Giá khứ hồi từ 30.000 đến 50.000 đồng một người.
Hải đăng Kê Gà cao 35 mét, được làm từ những vật liệu do người Pháp mang sang. Hàng cây hoa sứ dọc lối vào cũng là do họ trông từ cuối thế kỷ XX. Cạnh hải đăng có lối mòn đi xuống bãi đá lớn, nhiều hình thù kỳ thú, được người địa phương gọi là “vườn đá”.
Ngọn hải đăng Kê Gà. Ảnh: Hóa Cao
Du khách có thể đến đây vào sáng sớm để ngắm bình minh hoặc khi mặt trời lên cao, mặt nước biển trở nên trong xanh.
Cù Lao Câu
Cù Lao Câu, còn gọi Hòn Cau, đảo nhỏ thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Hòn đảo này cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km, cách TP HCM khoảng 240 km. Từ đất liền ra đảo cần đi thuyền hoặc tàu lớn, cano mất khoảng 40 đến 50 phút.
Cù Lao Câu là địa điểm check in ưa thích của nhiều du khách. Ảnh: phuongtet
Du khách có thể đi trong ngày hoặc nghỉ qua đêm bằng cách tự túc hoặc mua tour. Hòn đảo chưa có người dân sinh sống, không có dịch vụ, thậm chí khách phải mang nước ngọt từ đất liền. Đến đây, du khách có thể check – in ở bãi Tiên, giếng Tiên, hang Ba Hòn, hang Tình Yêu, bãi Cá Suốt, đền thờ thần Nam Hải…
Làng chài Mũi Né
Nơi đây không chỉ có những khu nghỉ dưỡng sang trọng mà còn có một làng chài đậm chất vùng biển Nam Trung Bộ. Làng chài Mũi Né cách thị trấn khoảng 3 km. Ngay lối vào làng chài là hàng trăm tàu thuyền đánh cá đầy màu sắc sặc sỡ neo đậu. Cách đó không xa là một khu chợ nhỏ với nhịp sống yên bình.
Tàu thuyền neo đậu ở làng chài Mũi Né
Làng chài chỉ trải dài tầm 100 m ven biển nhưng đây là nơi du khách có thể cảm nhận rõ ràng nhất cuộc sống của ngư dân. Nếu đến làng chài vào sáng sớm, khách tham quan có thể mua được nhiều hải sản tươi ngon khi thuyền vừa cập bến.
Lan Anh