Nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, trong đó có Báo Bình Thuận đã có rất nhiều chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa để thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc. Trong mỗi chuyến công tác, đoàn đều thả hoa đăng tưởng nhớ 64 liệt sỹ Gạc Ma. Hình ảnh 64 chiến sỹ kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã trở thành tượng đài trong trái tim mỗi người Việt Nam. Cách đây 36 năm về trước, ngày 14/3/1988, lực lượng hải quân Trung Quốc với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại đã bất ngờ tấn công cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin (thuộc Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Chúng ngang nhiên dùng vũ khí tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sỹ ta đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và 64 chiến sỹ Hải quân của ta đã anh dũng hy sinh.Trong trận chiến đó, hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống chọi lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma đã trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”. Tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn bình yên bên bờ sóng. Chùa Sinh Tồn là nơi đặt tấm bia 64 chiến sỹ Hải quân đã hoà mình vào sóng nước giữa đại dương của Tổ quốc 36 năm trước. Có rất đông cán bộ chiến sỹ, người dân thị trấn Trường Sa và ngư dân khai thác hải sản quanh đảo đến chùa Sinh Tồn để thắp hương, khấn vọng hương linh các anh. Còn nhà chùa thì hằng năm đến ngày này làm cơm chay, xếp hương, hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ. Riêng bà con trên đảo Sinh Tồn, ngoài ngày 14/3, những ngày Rằm, ngày mùng 1 âm lịch hằng tháng và ngày lễ, tết, đều đến chùa Sinh Tồn dâng nén nhang tưởng nhớ, mong các anh yên nghỉ, phù hộ độ trì cho quân dân trên đảo bình an. Trong 64 chiến sỹ hy sinh ở trận hải chiến Gạc Ma 1988, tỉnh Quảng Bình có nhiều nhất, với 13 liệt sỹ. Ngày 14/3, tại Nghĩa trang liệt sỹ Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tri ân 64 chiến sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Đây cũng là nơi an nghỉ của Anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, nguyên Chỉ huy phó bãi đá Gạc Ma, quê ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, bất chấp hiểm nguy và hy sinh khi đang quyết giữ lá cờ Tổ quốc. Cũng vào thời điểm này, hàng triệu con người Việt Nam đến các Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma thắp hương, tưởng nhớ 64 chiến sỹ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Mộ gió trong các Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xem là “chốn đi về” của 64 liệt sỹ Gạc Ma đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Nhằm lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ Gạc Ma cho thế hệ hôm nay và mai sau, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã, đang và tiếp tục tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phù hợp. Tất cả đều thể hiện sự thành kính tri ân, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam với những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Các anh ngã xuống nhưng lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất của các anh còn sống mãi, trở thành nguồn động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua khó khăn để xây dựng Trường Sa – Việt Nam ngày càng đổi mới, phồn vinh, phát triển.