Hàm Mỹ lại đón tôi vào giữa tháng chín. Cơn mưa giữa mùa ở miền quê có hơi nặng hạt, kéo dài nhưng không đủ để cản bước chân của người con xa quê được về thăm nhà. Với tôi, một năm có năm ba lần về quê, ít nhất cũng được hai ngày, nhiều thì năm ba ngày. Vậy mà mỗi lần về quê thì mỗi lần cảm giác bồi hồi trong lòng tôi lại khác nhau, khó tả hết được là như thế nào.
Bây giờ nhắc tới xã Hàm Mỹ nói riêng và huyện Hàm Thuận Nam nói chung là ai ai cũng sẽ nghĩ ngay đó là “thanh long và thanh long” của Bình Thuận. Nhưng trước đây, ở thời kỳ bao cấp, Hàm Mỹ và Tân Thuận và hai xã của huyện có đầy đủ điều kiện về đất và nước để trồng lúa quanh năm. Cây ăn trái xanh tốt. Nhớ đến thời kỳ những vườn cây thanh long chưa phát triển, tôi nghĩ đến ngôi nhà tranh vách đất của ba mẹ nằm giữa vườn cây ăn trái xanh tốt quanh năm. Đất vườn nhà tôi khá rộng, cây trồng sum sê, um tùm có nhiều lối đi luồn lách, quanh co. Ở trong vườn không khí luôn trong lành, mát lạnh; lúc này chúng tôi tha hồ hít thở bầu không khí căng phồng lồng ngực. Có thể bây giờ, thời gian dài sống nơi phố thị, nhiều con đường ban ngày thì đông đúc người qua lại, đêm về ánh sáng chiếu lấp lánh nhiều sắc màu, cùng với bộn bề công việc của cuộc sống mưu sinh nhiều khi tôi đã quên đi rất nhiều về ký ức. Nhưng khi trở về thăm nhà, gặp lại cảnh vật của ngày xưa từng chi tiết của mảnh vườn tuổi thơ lớn lên của tôi hiện ra nguyên vẹn như ngày nào. Tôi đã đứng thật lâu cái nơi mà trước đây, khi thức dậy với tay múc một gáo nước mát lạnh trong lu để đánh răng, rửa mặt. Nhắm mắt lại, tôi thấy mình đang trèo lên cây dừa, bắt bẹ rồi trườn thẳng lên trên ngọn, dùng chân đạp những trái dừa vừa đúng nạo rớt tỏm xuống ao nước cạnh bên mái nhà. Rồi lại thấy mình bó một chiếc đuốc nhỏ, đốt khói vào tổ ong ruồi làm những chú ong bay tán loạn, rồi dùng dao gỗ gạt tất cả sáp và mật ong vào trong một chiếc thau nhựa; đã bị một vài chú ong tiếc của chích sưng cả cánh tay, nhưng tôi lại vô cùng phấn chấn với cảm giác có chiến lợi phẩm mang về. Những buồng chuối trái vừa mới căng tròn, bị gió làm gãy ngang cây, tôi lấy lá chuối khô đậy lại, hàng ngày dỡ ra xem, chín trái nào thì ăn trái đó… Rồi lại thấy mình trèo lên cây cao, bẻ các quầy cao già cho ngoại, cắt những chiếc mo cao phơi khô cất dành để đựng cơm cho những ngày chăn bò lên rừng cả ngày. Tôi giật mình khi mẹ gọi: “Làm gì mà thẩn thờ nảy giờ ở đây; nhang tàn rồi, vào châm rượu, châm trà cho ba, rồi đốt giấy cúng mời khách ăn uống kẻo trễ, còn phải chuẩn bị để trở về thành phố”.
Những cái cây như đu đủ, dừa xiêm, chuối, trầu, cao… xung quanh chiếc ao trong vườn đã lớn lên cùng tôi, tâm sự với tôi, chia sẻ với tôi rất nhiều câu chuyện và nỗi niềm. Tuổi thơ tôi lớn lên dưới một túp lều tranh, xung quanh mảnh vườn xanh tốt quanh năm. Trong nhà không có bếp gas, bếp điện, bóng đèn điện, không có tivi, không điện thoại…; chỉ có bếp củi và đèn dầu. Mỗi góc nhỏ trong khu vườn, quanh sân nhà rồi chạy dài đến tận các đám ruộng, bờ mương đã cho tôi vô vàn kỷ niệm, ký ức bình dị thân thương, trong trẻo của một thời quê hương còn nghèo khó. 20 năm trời gắn bó với làng quê, nó giúp tôi mạnh mẽ hơn trong suốt quãng đời học tập và sinh sống sau này nơi phố thị, vốn chẳng bình yên và dễ dàng chút nào.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những chiếc trụ gỗ lần lượt được người dân quê tôi đem về đổ xuống những đám ruộng và kể cả đất vườn. Rồi những vườn thanh long dần dần phủ xanh cánh đồng lúa, phá vỡ không gian cũ của cánh đồng xanh mơn mởn khi lúa thì con gái và cánh đồng vàng ươm khi mùa gặt sắp bắt đầu. Nhiều lúc nhớ lại trong lồng ngực tôi đã nhói lên từng cơn đau nhẹ. Theo năm tháng, trật tự cuộc sống cũ đổi thay, những bãi bồi, đất trống đã gắn bó với tuổi thơ những đứa trẻ ngày một buổi đến trường, một buổi chăn bò như tôi dần dần mất dấu. Những người già, người lớn xung quanh mình lần lượt ra đi theo quy luật cuộc đời, con người không thể làm gì ngoài sự thương tiếc khôn nguôi và hoài niệm nhung nhớ mỗi khi nghĩ về.
Những ngày được về thăm quê hương, thăm ông bà, cha mẹ; tôi thường dành ít thời gian đặt chân đến những nơi thân quen trên mảnh đất ông cha mà tôi đã từng khôn lớn; rưng rưng ngắm nhìn khoảng trời thân thuộc. Những lúc như thế, tôi luôn muốn đem một thứ gì đó nơi đây khi về lại thành phố để làm kỷ niệm. Bởi tôi biết, không còn bao lâu nữa, khi tuổi mình đã lớn; lúc ấy dù trái tim còn thương, còn nhớ, luyến tiếc nâng niu, trân quý những điều thuần khiết, thì tôi cũng khó còn được gặp lại ông bà, mẹ cha và cảnh cũ khi mỗi lần về thăm quê.