Theo chân chị Đỗ Thị Bảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Công, chúng tôi tìm đến vùng đất cát chạy dọc quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã, khi những tia nắng đầu ngày còn chưa xuất hiện.
Khi chúng tôi đến nơi, hộ anh Phạm Văn Gia đang thu hoạch xong những cành măng tây cuối cùng để kịp cho thương lái đến thu mua. “Măng tây phải thu hoạch trước khi mặt trời mọc. Có như vậy măng tây mới tươi, giòn, ngọt, cho chất lượng tốt nhất”. Anh nông dân trẻ vừa xếp những bó măng tây tươi rói vừa nở nụ cười nói với chúng tôi. Hiện gia đình anh có 3 sào đất trồng măng tây đều đang cho thu hoạch. Theo anh Gia, trung bình 1 sào đất sẽ cho từ 8 – 10 kg măng tây mỗi ngày. Với giá dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, anh bỏ túi khoảng 1,5 triệu đồng/ngày.
Anh Gia cho biết, trước đây gia đình cũng trồng thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đầu ra thanh long khó khăn. Nhận thấy cây măng tây khá có tiềm năng, anh Gia đã lặn lội ra tỉnh bạn Ninh Thuận để học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây măng tây. Sau đó, anh mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm. Từ 1 sào đất trồng ban đầu, nhận thấy cây măng tây rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất cát Chí Công, anh Gia đã mạnh dạn mở rộng diện tích măng tây thêm 2 sào, đồng thời, kêu gọi các hộ dân xung quanh cùng trồng loại cây này.
Cạnh đó, ông Đỗ Ngọc Hạnh vừa cắt tỉa lại những cành măng tây vừa chia sẻ với chúng tôi: Gia đình ông có 1 ha đất chủ yếu trồng thanh long. Từ khi chuyển đổi gần 2 sào đất sang trồng cây măng tây, ông nhận thấy cây phát triển khá tốt lại cho nguồn thu nhập ổn định nên dự kiến trong thời gian tới ông sẽ mở rộng thêm diện tích măng tây của gia đình.
Được biết, chi phí đầu tư cho 1 sào măng tây từ cây giống, tạo luống, lên giàn và áp dụng hệ thống tưới tự động khoảng từ 40 – 50 triệu đồng. Nhờ khả năng thoát nước tốt của đất cát, lại hợp khí hậu nên các vườn măng tây ở đây đều phát triển rất tốt từ 4 – 6 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay đã có 7 hộ chuyển đổi sang trồng cây măng tây với diện tích khoảng 2 ha. Về khâu chăm sóc, theo các hộ dân nơi đây, đối với cây măng tây phòng bệnh chính là yếu tố quyết định. Vì khi các mầm măng bắt đầu mọc phải hạn chế tối đa các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo mang đến những cây măng tây sạch nhất cho người tiêu dùng.
Tháng 4/2023, Hội Nông dân xã Chí Công đã thành lập và ra mắt tổ hợp tác trồng măng tây với 6 thành viên. Mỗi tháng một lần tổ sẽ họp giao ban để chia sẻ những kỹ thuật chăm sóc, phân bón, cách phòng bệnh cũng như đầu ra cho cây măng tây. Chị Đỗ Thị Bảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Công cho biết: Qua đánh giá ban đầu, cây măng tây trên địa bàn phát triển tốt và cho ra năng suất cao. Qua đó cho thấy được ý chí làm giàu của bà con khi không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, hội sẽ kiến nghị với các ngành cấp trên để có những chính sách hỗ trợ cho người dân trồng măng tây, mở thêm những lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh đó là mở rộng thêm đầu ra cho cây măng tây của địa phương góp phần phát triển bền vững loại cây tiềm năng này.
Vùng đất cát Chí Công được biết đến là vùng trồng thanh long tập trung của xã với diện tích 164,2 ha. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, một số hộ dân đã bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang táo, nho. Đặc biệt mô hình trồng măng tây là đạt được hiệu quả cao nhất. Qua đó góp phần giúp địa phương đa dạng được loại cây trồng, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.