Những ngày này nhà nhà đi sắm đồ tết, trong các giỏ hàng của các mẹ, các chị ngoài những thứ hàng cần thiết thì măng khô không thể thiếu để nấu món “ba rọi nấu măng khô” ăn vào 3 ngày Tết Nguyên đán…
Trước đây, khi tôi còn mẹ, năm nào sáng mùng 1 tết trên bàn ăn họp mặt gia đình đầu năm ngoài các món bánh chưng dưa món chua ngọt, chả lụa và không thể thiếu món măng khô nấu với thịt ba rọi, giò móng heo, trứng vịt cuốn với rau sống thì thôi không gì ngon bằng. Món ăn tưởng chừng dân dã và quen thuộc với nhiều người nhưng với tôi là cả một “vùng trời ký ức” bởi sau này khi tôi không còn mẹ nữa thì món ấy dù ngon đến cỡ nào vẫn như thiếu một chút tình yêu thương của mẹ trong hương vị món măng kho – thịt ba rọi… Và rồi một ngày vô tình ngồi chung với các đầu bếp ở thành phố Hồ Chí Minh bàn về các món đặc sản ngày tết thì Hoàng – người gốc Tánh Linh là đầu bếp chuyên dạy nấu ăn trên kênh HTV9 khẳng định ít ai biết rằng món đặc sản trứ danh ngày Tết Nguyên đán của Bình Thuận là măng khô nấu thịt heo ba rọi.
Theo Hoàng, người đã có khoảng thời gian dài tìm hiểu ẩm thực ở các vùng miền đất nước hình chữ S thì người Bình Thuận có thói quen ngày tết âm lịch là làm món măng khô nấu thịt heo. Măng khô có thể nấu với vịt (măng vịt) nhưng nhiều người kiêng kị đầu năm ăn xui nên không ai nấu. Măng khô nấu với gà vẫn ngon nhưng vẫn không thịnh hành bằng món măng khô nấu thịt heo. Có rất nhiều cách để nấu măng khô với thịt heo, nhưng phổ biến là măng khô nấu với thịt heo ba rọi hoặc giò, móng heo. Để có nồi măng ngon, bước đầu tiên bạn phải ngâm măng với nước ấm qua đêm, thay nước khi thấy măng ra chất vàng đậm, sau đó luộc măng 3 lần, mỗi lần luộc khoảng 40 phút để loại bỏ những độc tố trong măng. Khi luộc lần thứ 3 thấy nước trong là ổn, sau đó vớt măng để ráo nước. Với thịt ba rọi hoặc giò, móng heo ướp gia vị, trong gia vị nhất thiết phải có hạt hồ tiêu và dầu hào, thịt ba rọi phải cắt khúc to vừa để khi hầm với măng không bị nát. Thịt heo đem nấu khoảng 30 phút cho thịt thấm, lúc này có thể thêm nước dừa, bỏ măng khô vào hầm với thịt, 45 phút sau là đã có món măng khô thịt heo hấp dẫn…
Măng khô nấu thịt heo là món đặc trưng ngày tết âm lịch của Bình Thuận rất phổ biến, bây giờ các nhà hàng đã biến tấu món măng khô nấu thịt heo vào dịp tất niên để đãi khách xa nhà. Nếu ai đã từng sinh sống ở Bình Thuận đều biết, người dân Bình Thuận dù nghèo hay giàu, ngày tết âm lịch đều có món măng khô nấu thịt heo. Măng khô Bình Thuận khá nhiều và được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội hơn các vùng khác nhờ thời tiết, thổ nhưỡng tạo nên chất măng có vị ngọt, thơm, ít đắng. Ngoài ra ở Bình Thuận có nhiều chủng loại tre như tre lồ ồ, đá, trúc, le… nên tạo được sự phong phú cho người thích ăn măng. Ở Bình Thuận măng khô có hầu hết ở các huyện từ Tuy Phong kéo dài đến Đức Linh. Tuy nhiên, nhiều người nhận định măng khô ngon và nhiều nhất là ở vùng Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc, vùng được dân lấy măng nhiều nhất là khu vực từ xã Đồng Kho, La Ngâu đến Đức Phú, Tánh Linh. Còn ở Hàm Thuận Bắc thì các xã từ Đông Tiến đến Đa Mi.
Thị trường măng khô Bình Thuận những ngày cuối năm khá sôi động. Hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị hay các sạp hàng di động đều bày bán măng khô. Không chỉ nhiều người Bình Thuận thích món măng khô nấu với thịt ba rọi mà từ ẩm thực của Bình Thuận đã lan tỏa đến hàng ngàn khách du lịch. Vì vậy không khó để nhận ra du khách khi đến Phan Thiết cũng ghé mua măng khô về ăn Tết Nguyên đán…