Trên khắp các cánh đồng vụ đông xuân 2023 – 2024 của huyện Tánh Linh từ lúa đã chín, lúa trổ, lúa đang làm đòng đều đang bị lúa lẫn (lúa cỏ, lúa ma, lúa 2 tầng) tấn công. Hầu hết các giống lúa sản xuất trong vụ đều bị lúa lẫn. Nhiễm nặng nhất là xứ động thuộc các xã: Đồng Kho, Đức Bình, Đức Thuận và thị trấn Lạc Tánh.
Theo ghi nhận, tại cánh đồng Lớn thuộc địa bàn thị trấn Lạc Tánh lúa lẫn có mặt ở hầu hết các ruộng lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Ông Nguyễn Mạnh có diện tích sản xuất 5 sào lúa trong vụ đông xuân này cho biết: Các năm trước vẫn có lúa lẫn nhưng rất ít, nhưng vụ đông xuân này lúa lẫn xuất hiện rất nhiều. Gia đình đã 2 lần bỏ công cắt bỏ lúa lẫn nhưng vẫn chưa hết và hiện tại đang tiếp tục khử lẫn lần ba.
Tại cánh đồng xã Đồng Kho, nơi có nhiều diện tích lúa thực hiện theo hướng liên kết với doanh nghiệp cũng có lúa lẫn. Các diện tích liên kết này lúa đã chín chuẩn bị cho thu hoạch, phía doanh nghiệp đang tiếp tục thuê công cắt bỏ lúa lẫn.
Theo bà con nông dân, những ruộng lúa các năm trước bị nhiễm lúa lẫn thì bây giờ tiếp tục bị nhiễm là chuyện thường nhưng nhiều ruộng trước đây không hề có lúa lẫn thì bây giờ vẫn bị nhiễm lẫn. Vì giá lúa giống hiện nay quá cao dao động trên dưới 20.000 đồng/kg nên một số bà con mua giống ở những nơi không đáng tin cậy về sử dụng và bị lúa lẫn nhiều. Từ đó bà con xác định một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lúa lẫn là do giống. Những ruộng bị nhiễm lúa lẫn nặng sẽ làm giảm năng suất và giảm chất lượng gạo.
Ông Mai Trí Mân – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh cho biết: Vụ đông xuân 2023 – 2024 toàn huyện sản xuất với tổng diện tích 11.552 ha, trong đó cây lúa gieo trồng 9.019 ha, các giống lúa sử dụng chủ yếu OM4900, OM5451, OM6976, OM7347, OM2395, ML202. Hiện tại có khoảng 2.000 ha lúa đang cho thu hoạch, số diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn trổ bông và làm đòng. Hiện tại trên nhiều diện tích lúa đông xuân bị nhiễm lúa lẫn. Nguyên nhân được xác định ban đầu là lúa lẫn xuất hiện trên các nguồn giống lúa khác nhau, đặc biệt các chân ruộng trước đây có lúa cỏ mọc thì trong vụ đông xuân này mọc càng nhiều hơn và những chân ruộng cao do tình hình nước chưa đảm bảo, bị khô hạn thì lúa cỏ mọc nhiều hơn, phát triển nhanh. Lúa cỏ hạt dễ rụng tạo thành nguồn hạt tồn dư sẵn trong đất và lây lan sang vụ sau nên những ruộng không được cày bừa kỹ, không xử lý cỏ trước khi xuống giống thì lúa cỏ mọc nhanh nhiều hơn. Máy gặt không được vệ sinh sạch sẽ sau khi gặt từ ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ sang ruộng không bị nhiễm, đây là nguyên nhân lúa cỏ tồn tại trong đất. Nhiều nông dân mua giống của các đơn vị kém chất lượng giá thành thấp… do đó lúa cỏ đã có sẵn trong giống khi gieo sạ.
Để bảo vệ mùa màng, hạn chế và khống chế được lúa cỏ tấn công gây hại trên diện rộng và lây lan cho vụ sau, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các địa phương chỉ đạo bà con nông dân tiến hành cắt bông lúa cỏ khi mới trổ và mang tiêu hủy, không vứt bừa bãi trên bờ ruộng, kênh mương nước, tránh lây lan. Vệ sinh máy gặt sạch sẽ trước khi xuống gặt để tránh lây lan hạt lúa cỏ từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm. Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân cho nước vào ngâm ruộng, cày ải để nhử lúa cỏ mọc và dùng các biện pháp để tiêu diệt trước khi xuống giống vụ hè thu. Chọn giống lúa ở những địa chỉ tin cậy. Đồng thời, thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất đem lại năng suất chất lượng lúa gạo cao hơn.