Bây giờ, lòng hồ Tà Mon đất nứt toác, cạn kiệt. Trong khi vùng đồng bào Hàm Cần, Mỹ Thạnh, hạn hán còn lấy đi sinh kế của từng nhà, từng người …
Gặp gỡ người dân mất đất cho hồ Ka Pét hình thành
Dù mới sáng sớm, nhưng tại Nhà văn hóa xã Mỹ Thạnh hôm ấy đã tập trung khá đông người. Tất cả có 25 hộ dân, đều là những gia đình có đất sản xuất nằm trong vùng dự án hồ chứa nước Ka Pét, sẽ mất đất cho việc thi công hồ thủy lợi sắp tới. Thế nên, buổi gặp hôm ấy không chỉ để họ gặp gỡ, nhận quà của đoàn công tác do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp một số sở, ban ngành liên quan tổ chức mà còn để chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống khu vực sản xuất nông nghiệp vùng hạn, khu vực dự án hồ chứa nước. Và chính họ là nhân chứng cho tất cả, qua nét mặt, tâm tư ước vọng và cả chiều dài của một cuộc sống nhọc nhằn nơi vùng khát.
Trên những gương mặt ấy, vóc dáng nhỏ thó ấy đã toát lên sự khắc khổ một đời, sự âu lo trước khó khăn sinh kế đang phải đối mặt. Hạn hán đang từng ngày lấy đi sinh kế của họ. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền khi bà con dường như không có việc làm vào mùa hạn, trong khi đồng ruộng phải bỏ hoang do hạn hán, thiếu nước. Vì vậy, mọi sự hỗ trợ dù ít, dù nhiều lúc này đều là sự động viên rất lớn với người dân vùng hạn. Khi nhận được món quà do đoàn trao tặng trên tay, họ mỉm cười, bày tỏ niềm vui bởi chí ít những ngày tới cũng có chi phí sinh hoạt. Đa số những hộ dân này là đồng bào dân tộc Rai, cùng sinh sống ở thôn 1, xã Mỹ Thạnh. Xã có hơn 20.600 ha đất tự nhiên, lại được xem là một trong những điểm khô hạn, khó khăn nhất của huyện Hàm Thuận Nam, cũng là nơi “đặt chân” của hồ chứa nước Ka Pét, khi nơi đây có 2 con sông chảy là suối Pờ. Ó (suối Bom Bi) và sông Bà Bích theo tiếng địa phương.
Trong số những hộ dân ấy, tôi hỏi chuyện ông Trần Ngọc Ngang, thôn 1, xã Mỹ Thạnh. Ông là một trong số chủ nhân của 2 ha cây điều già trong khu sản xuất sát dòng sông Bà Bích nằm trong vùng dự án, ông Ngang chia sẻ: “Mùa mưa gia đình trồng bắp, mì xen cây điều. Còn mùa hạn này cây điều khô cằn, thất mùa, chỉ lác đác trái, bông thì héo queo quắt”. Ông Ngang chia sẻ thêm, khó khăn do thiếu nước đã kéo dài nhiều năm, vì vậy ông hy vọng, dự án hồ Ka Pét sẽ được triển khai sớm. Khi nhà nước thu hồi đất sản xuất, bà con sẽ không có đất sản xuất, nên mong muốn sẽ chuyển đổi kinh tế.
Cùng chung nỗi tâm tư và khó khăn về hạn, chị Nguyễn Thị Nguyện – một hộ dân khác có đất sản xuất trong vùng dự án Ka Pét bày tỏ: “Mùa hạn kéo dài, bà con đang thiếu nước uống, không có nước sản xuất, đồng nghĩa với việc không có việc làm, thu nhập. Đất đai ở đây chỉ trồng bắp, trồng mì vào mùa mưa. Còn mùa khô lại nứt nẻ vì hạn nên bỏ không, bà con chỉ biết đi xa làm thuê làm mướn”.
Riêng với những người không có đất sản xuất như bà Nguyễn Thị Huyết ở thôn 1, xã Mỹ Thạnh mà chúng tôi gặp trên đường lội bộ vào rừng, được biết mùa hạn này cả rừng cũng khô khốc, khó kiếm kế mưu sinh. Mỗi ngày bà Huyết vào rừng từ khoảng 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, với hành trang là 1 cái gùi, liềm và 1 chai nước lọc. Đi đã mệt lả, bà cùng mấy người hàng xóm cùng tìm kiếm những gì trong rừng có thể ăn được cho qua ngày. Mùa hạn khô khan nên “sản vật” họ thu được cũng chỉ là một vài mẩu tàn ong, hay bó lá bép, lá chìa vôi, đọt mây để làm thức ăn, hay bán lấy tiền, có người lấy cả tổ mối trên cây rừng về để cho gà ăn. Có ngày nắng quá, nước không đủ uống đành ra khỏi rừng sớm hơn dự định. Tối về đến nhà lại mang can ra các ao hồ còn nước để chở về nhà sinh hoạt…
Khi được hỏi về tương lai ở địa phương sẽ có hồ chứa nước Ka Pét, nét mặt ai ở đây cũng giãn ra với giấc mơ thay đổi cuộc sống. Này là có nước sẽ sản xuất thanh long, sẽ chăn nuôi… Câu chuyện chỉ có hơn 280 hộ dân, Mỹ Thạnh đã có 188 hộ nghèo, cận nghèo rồi sẽ thành chuyện của quá khứ.
Tạo thêm sinh kế
Chúng tôi tiếp tục lội bộ mấy cây số dưới nắng gắt để tới sông Bà Bích, nơi sẽ là vị trí lấy nước về hồ Ka Pét và hạng mục công trình đầu mối. Thay vì tiếng nước róc rách chảy trong vắt vào mùa mưa, nay dòng sông hiện ra trong mắt tôi hoàn toàn trái ngược. Đúng như lời của ông Trần Ngọc Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh khi có mặt ở đây: “Mùa mưa dòng nước chảy xiết, nguy hiểm nhưng lại không giữ được nước. Còn mùa khô chỉ mới thời gian ngắn đã trở nên khô cằn, trơ trọi cát”. Và ở ngay lòng sông Bà Bích thời điểm chúng tôi đến, tiếng máy nổ, máy khoan và nhóm công nhân vẫn đang làm việc miệt mài. Hỏi ra mới biết, đó là nhóm người đang thực hiện việc thăm dò địa chất, phục vụ cho tiến độ dự án.
Có lẽ những tác động đầu tiên của máy móc trên vùng đất hạn này, đang mở ra sự hy vọng hồ chứa nước Ka Pét sẽ sớm nên hình, thành dáng… Khi ấy, hàng ngàn ha đất trong huyện sẽ được cấp nước tưới, người dân sẽ được cấp nước sinh hoạt, cải tạo môi trường, cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Khi có hồ, có nước thủy lợi, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, chuyện lo sinh kế của đồng bào tại địa phương thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách vay vốn hay các lớp tập huấn về kỹ thuật… lại càng được chú trọng, để bà con có “cần câu” cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Đến khi ấy, chắc chắn rằng những mong mỏi chính đáng về sinh kế lâu dài của người dân Hàm Thuận Nam nói chung và 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh nói riêng sẽ dễ dàng hơn.
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam tin tưởng rằng: “Việc đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Hiện tại Trung ương, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho địa phương về dự án hồ Ka Pét, trong nhiều năm đã làm thủ tục, đến nay khâu chuẩn bị đầu tư cơ bản đã xong. Nếu hồ Ka Pét hoàn thành đúng thời hạn và sớm đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho bà con. Vì vậy địa phương mong muốn tỉnh, Trung ương quan tâm đốc các sở ngành hoàn thiện hồ sơ, sớm triển khai thi công dự án càng sớm càng tốt”.
Mặt trời đã chiếu trên đỉnh đầu! Cái nắng ở vùng hạn Hàm Thuận Nam ngày càng trở nên gay gắt khiến chai nước mang theo chỉ còn những giọt cuối. Trong tiết trời này, người dân vùng Hàm Cần, Mỹ Thạnh trên đường vào rừng, vào rẫy mưu sinh, phải chắt chiu từng giọt nước uống để không phải bỏ về sớm, vì khát. Điều này không mới vào mùa này ở đây, vì 2 năm về trước, tôi cũng từng chứng kiến và đã viết bài với tiêu đề “Ước vọng Ka Pét”. Và đến giờ này, trước cơn hạn nặng lặp lại, người dân vẫn không ngừng ước vọng về một thủy lợi mang tên hồ Ka Pét. Chỉ khác, điều ấy sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa nữa…