Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng của người Chăm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, khu di tích tháp Chăm Po Dam là nơi phát hiện Linga vàng, nằm tọa lạc trên sườn núi Ông Xiêm thuộc địa bàn thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km. Nhóm tháp Po Dam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996.
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2013-2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hai đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên nhóm đền tháp Chăm Po Dam, với tổng diện tích khai quật là 1.455m², để làm sáng tỏ vị trí, kích thước, kết cấu kiến trúc… của các móng đế tháp bị sụp đổ, vùi lấp trong lòng đất phục vụ công tác trùng tu, phục hồi một số kiến trúc của di tích.
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng của người Chăm. |
Qua hai đợt khai quật khảo cổ, nhân viên đã tiến hành bóc tách toàn bộ lớp đất, gạch, đá phủ lấp trên bề mặt khuôn viên tháp Po Dam. Qua đó làm xuất lộ một số kiến trúc quan trọng trong khuôn viên Khu tháp mà trước đó học giả người Pháp Henry Parmentier không đề cập đến trong bản vẽ.
Cụ thể, kiến trúc dạng nhà dài, kiến trúc dạng vuông ở phía nam; cầu thang cổ dạng bậc cấp bằng gạch chạy theo hướng Đông-Tây dần lên tháp Nam; bốn khối gạch vuông có thể là nơi đặt tượng; hệ thống đường dẫn nội bộ trong Khu tháp; dấu tích đục phá vách núi đá phía tây để mở rộng không gian xây dựng Khu tháp… Những phát hiện này giúp đoàn khảo cổ nhận thức rõ hơn về các kiến trúc vốn có của Khu tháp và chính từ các kiến trúc đơn lẻ này sẽ góp phần nhận diện chức năng các kiến trúc trong không gian tổng thể của Khu tháp.
Linga được chế tác rất đặc biệt có trọng lượng 78,36 gram, với tỷ lệ vàng ròng chiếm 90,4 %, 9,6% còn lại là bạc và đồng. |
Nhiều hiện vật có giá trị như phiến đá chạm khắc chữ Chăm cổ dạng bia ký, kết quả phân tích nội dung cổ tự trên phiến đá cho biết niên đại xây dựng tháp vào khoảng năm 710. Đây là phát hiện mới vô cùng quan trọng, góp phần xác định niên đại xây dựng Khu tháp vào đầu thế kỷ VIII, tương đương với nhóm kiến trúc Mỹ Sơn E1, Mỹ Sơn C7 ở Quảng Nam.
Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ tại di tích tháp Po Dam lần này đã phát hiện Linga vàng và nhiều hiện vật khác có giá trị như: bệ yoni, bàn nghiền. Các loại nhạc khí như: chuông, chũm chọe, lục lạc; nhẫn muta, gương đồng, rìu, giáo. Cùng một số lượng lớn ngói lợp và nhiều di vật gồm vỡ ra từ các loại vật dụng như bình, hũ, tô, chén, đĩa, nồi… góp phần khẳng định thêm giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm tại di tích tháp Po Dam.
Linga là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ |
Ngay sau khi phát hiện, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đã triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật Linga vàng phát hiện tháp Po Dam tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia theo quy định.
Ngày 18/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12-năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này có Linga vàng tỉnh Bình Thuận.
Du khách nước ngoài tìm hiểu bảo vật Linga. |
Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt có trọng lượng 78,36 gram, với tỷ lệ vàng ròng chiếm 90,4%, 9,6% còn lại là bạc và đồng.
Hiện vật Linga bằng kim loại vàng tại di tích Pô Dam được phát hiện ngay trong địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa-lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Bảo vật quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.
Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX. |
Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng bảo đảm hiệu quả, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo vật quốc gia nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ bảo vật quốc gia.
Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận chú trọng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng thông qua công tác trưng bày, triển lãm, giới thiệu lên trang web, phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, bảo vật quốc gia của địa phương, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của du khách. Đồng thời, Công an tỉnh Bình Thuận xây dựng phương án bảo vệ, tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn các hiện vật và bảo vật quốc gia được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng.
Thanh Hải
Nguồn:https://nhandan.vn/linga-vang-cua-nguoi-cham-duoc-khai-quat-tai-khu-di-tich-post834459.html