Lễ hội Katê lần đầu phục dựng ở tháp Pô Sah Inư là vào năm 2005. Thời gian trước đó, đồng bào Chăm từ các nơi như Ma Lâm, Hàm Trí, Hàm Phú, một số hộ ở thôn Chăm Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, có cả những tộc họ ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên đến đây để thực hiện các loại lễ nghi. Có khi họ dựng trại ở qua đêm, chiều hôm sau mới về.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ
Tìm hiểu về lễ hội của đồng bào Chăm ở tháp Pô Sah Inư trước đây, nhiều nguồn tài liệu cho biết, trước năm 1945 người Chăm thường đến đây thực hiện lễ nghi, không phải chỉ có lễ Katê mà còn các lễ nghi mang tính cộng đồng khác, như lễ Tống Ôn, lễ Cầu đảo, lễ Cầu an (Yuen yang)… dù cho các tháp đang bị hư hại khá nhiều. Sau đó trong kháng chiến chống Pháp và tiếp theo là kháng chiến chống Mỹ lâu dài, đã làm mất đi một số lễ nghi. Riêng lễ hội Katê bị gián đoạn, một số nghi thức bị biến thể làm lu mờ các giá trị văn hóa dân gian nguyên gốc và đứng trước nguy cơ lãng quên mãi mãi.
Chọn năm 2005 vì thời điểm này sau hơn 15 năm tu bổ, tôn tạo tháp Pô Sah Inư và xây dựng xong các công trình phục vụ du lịch. Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) đã lập Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và phát huy được giá trị của lễ hội Katê đối với văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Chăm và phục vụ cho du lịch phát triển.
Nói là năm 2005 mới tiến hành phục dựng, nhưng thực ra trước đó mấy năm chúng tôi đã tổ chức điền dã kết hợp nghiên cứu các nguồn tài liệu và hội thảo để thu thập tư liệu nằm trong sách vở, trong trí nhớ của người già, và sự thiết tha của Hội đồng phong tục, các vị chức sắc trong các làng Chăm; mục đích là để khơi dậy niềm tự hào của lễ hội có từ lâu đời, kết nối lại và làm sống lại các giai đoạn, các quy trình của một lễ hội Katê để phục dựng lại với đầy đủ các giá trị văn hóa tinh thần vốn có của nó trong quá khứ. Làm sao đó để khi thực hiện sẽ bảo lưu được toàn bộ nội dung của lễ hội Katê về cả quy mô và hình thức vốn có trong lịch sử. Những tư liệu nghiên cứu được trong quá trình khảo sát trước đây được kiểm chứng và khẳng định là đúng và thể hiện chân thật trong từng khâu của lễ hội.
Ngoài nỗ lực phục dựng và thực hiện đề án, chúng tôi còn được sự động viên khích lệ của ông Lâm Quang Hiền lúc đó là Giám đốc Sở VHTT, hăng hái chỉ đạo nghiên cứu tài liệu và ông cũng trực tiếp đến gặp gỡ trao đổi với các thành viên trong Hội đồng phong tục, Hội đồng chức sắc tôn giáo, các nhân sĩ trí thức cùng bà con ở các làng Chăm để chúng tôi thuận lợi trong thời gian nghiên cứu.
Đề án phục dựng lễ hội Katê của người Chăm ở Bình Thuận được Bộ Văn hóa Thông tin chấp thuận để Sở VHTT thực hiện. Đây là biểu hiện sống động sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến việc bảo tồn lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc đã mai một trong quá khứ, theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận. Khi đề án được Bộ VHTT phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện, đồng bào Chăm ở Ma Lâm, Hàm Trí, Hàm Phú rất vui mừng, phấn khởi vì lễ hội Katê ở tháp Pô Sah Inư đã quá lâu chưa một lần được tổ chức lại.
Cuốn hút khách du lịch
Tin vui này từ trong làng ra ngoài đồng, mọi người ai ai cũng rôm rả bàn luận đến lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư và coi đó như là trách nhiệm thiêng liêng của cộng đồng đối với ông bà, tổ tiên; coi đây là dịp để mọi người được trở về với cội nguồn, gốc rễ. Không khí chuẩn bị ngày hội trở nên rộn ràng và bề bộn. Các thành viên trong Hội đồng phong tục, Hội đồng chức sắc tôn giáo, các nhân sĩ trí thức cùng mọi người ở các làng Chăm tổ chức nhiều cuộc họp, bàn, phân công trách nhiệm thực hiện các khâu công việc, để chuẩn bị cho lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư diễn ra đúng với nghi thức và phong tục truyền thống vốn có.
Mặc dù đã chuẩn bị khá tỉ mỉ để dự trù kinh phí, tuy nhiên khi đi vào các khâu chuẩn bị mới thấy tính đồ sộ của một lễ hội lớn: Đó là các khâu sắm sửa, chuẩn bị các loại phương tiện, tranh tre, cây gỗ để dựng 4 rạp lễ, các đồ tự khí, các lễ vật chính trong lễ hội; đóng kiệu rước trang phục, may cờ, lọng, tàn, mua sắm trang phục cho các chức sắc tôn giáo, đội múa quạt nữ, đội múa vòng và múa trống Paranưng nam… các loại lễ vật: dê, gà, trầu cau, trà rượu, gạo nếp, chuối và các loại vật dụng cần thiết khác để nấu nướng, chế biến lễ vật phục vụ cúng lễ theo phong tục vốn có của một lễ hội lớn chính thống tại tháp Pô Sah Inư.
Sau thời gian chuẩn bị công phu và các bước tập dợt của các cháu trong đội múa quạt, múa trống, múa vòng, đội nhạc lễ, cờ lễ… kể cả vị Sư Cả (Po Dhia) chủ lễ cũng chuẩn bị cho nhịp nhàng vì lần đầu tiên thực hiện và điều hành Katê tại tháp Pô Sah Inư trước hàng ngàn người.
Khi công tác chuẩn bị đã xong, thời khắc lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư năm 2005 đã đến vào ngày mùng 1 tháng bảy Chăm lịch. Trong nhịp điệu của tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ghinăng, Paranưng và tiếng chiêng cùng cất lên. Đoàn rước lễ theo đội hình lên tháp. Hai bên đường là hàng ngàn người dân địa phương, đồng bào Chăm từ khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước chen chúc tranh nhau chỗ đứng để được xem đoàn lễ rước lên tháp. Thật đông vui, náo nức khiến cho không khí lễ hội càng thêm rộn ràng và sôi động.
Không khí náo nhiệt đó như tiếp thêm sức và sự say mê của các thiếu nữ trong đoàn rước lễ, họ đã có dịp phô diễn cho du khách những nét đặc trưng độc đáo qua các lễ phục truyền thống, thưởng thức các vũ điệu qua các nhạc cụ và các điệu múa quạt, múa trống, múa vòng dân gian Chăm truyền thống mà lần đầu tiên họ được thấy và cảm nhận.
Lần đầu tiên phục dựng lễ hội Katê ở tháp Pô Sah Inư đã hoàn thành như kịch bản được phê duyệt. Lễ hội diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, kể cả trong phần lễ cũng như trong phần hội, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng vốn có. Đông đảo đồng bào Chăm tham gia và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh. Trên thực tế lễ hội đã bảo lưu các yếu tố nguyên gốc trong cả hình thức và nội dung, mang đặc trưng của người Chăm Bình Thuận. Phát huy một cách tốt nhất, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến mùa lễ hội năm nay, Katê đã trải qua 20 lần ở tháp Pô Sah Inư và đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/le-hoi-kate-lan-dau-phuc-dung-o-thap-po-sah-inu-124508.html