Đây là tập tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Việt Nam Hồ Việt Khuê vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 11/2023.
Mặc dù anh có một quá trình đến với sự nghiệp văn chương khá dài, phải kể từ những năm trước 1975, nhưng đến năm 1996 mới in tập truyện vừa Ở biển (Nhà xuất bản Kim Đồng), cho lứa tuổi mới lớn. Rồi có đến hàng chục tập truyện ngắn cho tới tiểu thuyết Làng chài, sóng và gió này. Có thể coi đây là thể loại mới của nhà văn nhưng với về bề dày từ các truyện trên nhiều tạp chí văn học trong nước và các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Bình Thuận… tên tuổi nhà văn Hồ Việt Khuê đã quá quen thuộc với người đọc và nay thuộc lớp chưa chịu già. Có thể với phong cách sống chậm, từ tốn lẫn trên trang chữ có thể bị coi là không hiện đại, mặc dù anh cũng một thời mê mẫn cách viết dữ dằn trên các tạp chí văn nghệ Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi… và mon men với chữ nghĩa trào lưu hiện sinh Heidegger, Nietzsche, F.Kafka… Nhưng Hồ Việt Khuê đã định hình cho mình trên trang văn một thái độ đằm thắm, tinh tế từ nhân vật đến cảm tính của câu chuyện. Tôi nghiệm ra với Hồ Việt Khuê “văn tức là người” là đúng với con người anh. Những tác phẩm văn xuôi Lá thư trong vỏ ốc, Đêm ngọc, Biển ngọt ngào, Hoa nở giữa giao thừa hay gần đây với Những ngày trở gió, Bàn tay ấm và thơm… Và ở tập thơ Cỏ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2016) là tập thơ đầu tay, dù trước đó trước 1975 anh là tác giả của những bài thơ tình với một tâm hồn tinh khôi, xao động dưới bút hiệu Hồ Tà Dôn.
Tiểu thuyết Làng chài, sóng và gió – rất dễ nhận ra bối cảnh của một làng biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, vừa trải qua những ngày cuối cuộc chiến và bước vào thời kỳ mới của quê hương hòa bình… Sự ra đời của đội văn nghệ quần chúng rộn rã dưới bầu trời chiến thắng, vừa cảnh giác mầm mống âm mưu của kẻ thù. Tâm trạng hãnh tiến của những thanh niên sớm giác ngộ nhưng nhận thức về ý nghĩa thắng lợi của cách mạng còn cạn đã dẫn đến nhiều tùy tiện, đẩy những thân phận yếu thế bởi trải qua hoàn cảnh chiến tranh của vùng đất xôi đậu, ngày cũng như đêm này. Những chiếc thuyền chài là gia sản cả đời giờ đây phải chịu cảnh dập dềnh theo sóng gió trên mặt biển nổi sóng quê mình. Nhân vật chàng trai Hùng và cô gái hồn nhiên lăn lộn với phong trào, họ đến với nhau đã không ít rào cản, hẹp hòi… Hùng sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề thùng lều nước mắm. Cả đời giỏi giang khá lên với quy mô cơ sở lớn, nuôi sống nhiều người làm công nên được gọi là hàm hộ và sau này bị xếp vào thành phần đầu nậu, tư sản. Hùng có điều kiện học hành nên sau ngày giải phóng với tuổi trẻ mang bầu nhiệt huyết đã hòa mình một cách nhanh chóng vào phong trào địa phương. Tưởng đâu ba của Hùng cũng một thời thoát ly ra chiến khu chiến đấu đã đủ cho Hùng có “tư cách” cho các hoạt động lúc này. Nhưng theo lời một cán bộ lãnh đạo xã quan tâm và luôn dặn dò, lưu ý Hùng về lập trường, phải cứng rắn, cần cương quyết hơn bởi cuộc đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh sống chết một mất một còn… Đang ở hoàn cảnh giằng xéo phải xa Hồng sẽ ra đi cùng gia đình ở một bến bờ khác, nhưng với Hùng thì tin vào gia đình mình dù bị nhiền tổn thương nhưng vẫn “còn nhiều cách để tồn tại chứ không cùng đường như nhiều gia đình khác”(*). Hình ảnh đôi tình nhân đang níu kéo nhau về quyết định đi hay ở, thì du kích ập đến,“Hùng và Hồng bị trói tay, dẫn giải về trụ sở vì bị nghi ngờ ngồi đợi thuyền vượt biển cập bãi bốc người…”(*). Không phải đến sau này, mà trước đó đôi lần Hồng thổ lộ chuyện gia đình có ý định vượt biển đã hỏi Hùng, có thể cùng đi không. Hùng hỏi lại “Sao em hỏi thể”, bởi Hùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ra đi. Hùng còn ba má, anh chị em vẫn gắn bó với quê hương mình biết bao kỷ niệm. Anh tin rằmg làng biển tan tác này sẽ không còn như xưa mà phải có một chân trời mới, một vùng biển thanh bình.
Tập truyện kéo dài 16 chương, mỗi chương là một cảnh đời phải quay cuồng với những trớ trêu, nặng nề với cái lý lịch đời mình. Là một làng biển, những câu chuyện vượt biển không thiếu gì động cơ nhưng với những ngư dân cả đời lam lũ đơn giản là cuộc sống đủ đầy cho gia đình, gạo thịt không phải tính từng cân. Con mực, con cá câu lên không phải chui rúc để mang ra thị trường. Những bất cập từ cách hiểu cách làm của một ông chủ nhiệm hợp tác xã. Những chuyện đến buồn cười về khám sản phụ phải tự nặn sữa để được cấp phiếu mua sữa cho bé sơ sinh… Có lẽ không riêng gì ở làng chài này mà trong những tháng năm đó với nhiều nơi cũng thế.
Hồ Việt Khuê nhiều lần tâm sự về nỗi băn khoăn ấp ủ tác phẩm có thể khắc họa một góc trời làng biển quê mình, đã nhen nhóm từ lâu. Liệu chừng người đọc và về thủ tục xuất bản có dễ dàng chấp nhận không. Tôi chia sẻ, anh là một nhà báo (nguyên là phóng viên báo Tiền Phong tại Bình Thuận) dưới khả năng quan sát của nghề, chắc chắn với tác phẩm dài hơi này sẽ đem lại người đọc nhiều thú vị bởi đó là “chuyện bây giờ mới kể”. Thế rồi anh quyết định, tiểu thuyết Làng chài, sóng và gió từ tháng 9/2023 đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn đăng ký vào kế hoạch xuất bản nhưng mãi đến cuối quý 4/2023 mới có giấy phép xuất bản và ra mắt hiện nay.
(*): Trích trong Làng chài, sóng và gió.