Tại hội nghị lần thứ XI trực tuyến Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với kết quả chống khai thác IUU hiện nay, nếu không khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, không tạo sự chuyển biến đột phá sẽ rất khó gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, thậm chí nguy cơ cao bị nâng cảnh báo lên “Thẻ đỏ”.
Quyết liệt các giải pháp
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã phân tích nhiều tồn tại, hạn chế khi thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Trong đó, nhấn mạnh đến tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng hơn trước. Thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tính đến nay, đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 91,6%; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 75,1%. Cả nước còn 7.035 tàu “3 không”. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm, còn thấp…
Tại Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh đã quán triệt, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết 52 của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và kết luận chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Đặc biệt, tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận các tồn tại, hạn chế qua kiểm tra của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu tại địa phương ngày 28 – 29/5/2024. Sau đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch khắc phục với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 32 đầu công việc, có mốc tiến độ cụ thể giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, đơn vị, chính quyền cấp huyện, cấp xã, khu phố tổ chức thực hiện. Trong đó, đưa Cảng cá La Gi vào trọng điểm để chỉ đạo chấn chỉnh công tác kiểm soát chống khai thác IUU, sửa chữa hạ tầng, khắc phục ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo giao lực lượng chức năng (Biên phòng, Công an, Kiểm ngư), chính quyền và đoàn thể các địa phương phân công cán bộ, chiến sĩ, đảng viên theo dõi, giám sát chặt chẽ 173 tàu cá nguy cơ cao, thông báo đến lực lượng chấp pháp trên biển (Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư) kiểm tra, giám sát quá trình tàu hoạt động trên biển. Nhờ đó, từ tháng 2/2023 đến nay, Bình Thuận chưa phát hiện tàu cá vi phạm nước ngoài.
Bên cạnh đó, đến nay, toàn tỉnh có 8.184 tàu cá được đăng ký, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác cho tàu cá “3 không” theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT, đến nay đã hoàn thành đăng ký, cấp phép khai thác cho 2.248/2.468 tàu cá “3 không” (đạt 91,1%); tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn đạt 85,7%; đăng kiểm đạt 83% (3.262/3930 tàu cá từ 12m trở lên); lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% tàu cá từ 15 mét trở lên đang hoạt động (1.940/1.940 tàu cá).
Xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”
Ngoài ra, việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) và kiểm soát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc được triển khai nghiêm túc. Tiến độ thực hiện các thủ tục sửa chữa, khắc phục hạ tầng cảng cá được tập trung thực hiện, có hạng mục đã khởi công. Tính đến 18/10/2024, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính 444 vụ/hơn 4 tỷ đồng…
Để chuẩn bị chu đáo nội dung, kế hoạch làm việc với đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp các địa phương tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không giấy đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản). Trước ngày 20/11, phải hoàn thành việc xử lý dứt điểm hơn 7.000 tàu cá “3 không” và cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFisbase. Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng đề án trình Chính phủ về việc sản xuất, cung cấp thiết bị VMS đảm bảo chất lượng để thực hiện đồng bộ trong cả nước, cung cấp, hỗ trợ miễn phí cho ngư dân và xây dựng quy chế, quy định trang bị, sử dụng thiết bị VMS do Nhà nước quản lý theo quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ còn giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân mở chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt trong công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU. Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tại cơ sở rà soát, thống kê, kiểm đếm nắm toàn bộ số lượng tàu cá “3 không”, tàu cá đã xóa đăng ký, mua bán chuyển nhượng; theo dõi chặt chẽ tình trạng tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi khai thác IUU, nhất là hành vi ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/lam-gi-de-go-canh-bao-the-vang-cua-ec-125393.html