Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Còn tại Kỳ họp thứ 18 (chuyên đề), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Thuận cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 23 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công bố ngay sau đó. Cử tri, nhân dân bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả của Quốc hội, HĐND.
Tăng niềm tin của cử tri và nhân dân
Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương của Đảng nhằm đánh giá cán bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác đánh giá cán bộ. Nhờ đó, công tác đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới về nội dung và phương pháp, từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.
Đầu năm 2023, trước những yêu cầu thực tiễn đặt ra, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định 96 lần này có nhiều điểm mới so với những quy định cũ. Chẳng hạn như, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 không còn là để “cho biết” nữa, mà là để làm căn cứ cho việc sử dụng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu, thực hiện chính sách đối với cán bộ. Hay như tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” đã được đề cập đến. Cùng với 2 điểm mới trên, thì Quy định 96 cũng đã chia làm 2 nhóm cụ thể trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Đó là, nhóm các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị, và là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đảng viên, cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh rất ủng hộ quy định này. Ông Nguyễn Văn Phụng – Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một trong những hình thức phát huy dân chủ thực sự, góp phần tăng niềm tin của cử tri và nhân dân. Thông qua bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhận thức đúng uy tín của mình để tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục hạn chế khuyết điểm. Từ đó, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. “Là một cử tri, một người dân, tôi rất đồng tình và hoan nghênh việc Quốc hội cũng như HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cách làm này mang tính đổi mới và có ý nghĩa sâu sắc, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND”, ông Phụng nhấn mạnh.
Là căn cứ quan trọng trong việc bố trí, sử dụng cán bộ
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 102/2023/QH15 của Quốc hội về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với 23 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026 bầu. Mức độ tín nhiệm theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Các đại biểu dự hội nghị đã được chia thành các tổ thảo luận đều đưa ra mục tiêu đánh giá hết sức khách quan, công tâm, không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng. Trong đó tập trung vào kết quả tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các vị được lấy phiếu tín nhiệm; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm từ khi được HĐND tỉnh bầu giữ chức vụ đến nay gắn với kết quả phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh của tỉnh và hoạt động của chính quyền địa phương cấp tỉnh (bao gồm hoạt động của HĐND tỉnh và UBND tỉnh). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công khai trên các phương tiện truyền thông để cử tri và nhân dân được biết.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu trong nhiệm kỳ 2021-2026. Các vị đại biểu HĐND tỉnh sẽ thay mặt cử tri và nhân dân trong tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh trong bộ máy chính quyền cấp tỉnh do HĐND tỉnh bầu ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ thể hiện sự đánh giá của HĐND tỉnh đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm; là căn cứ quan trọng để cấp thẩm quyền thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, kết quả tín nhiệm cũng đã thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của các thành viên là Thường trực HĐND tỉnh, thành viên UBND tỉnh. Chính vì vậy, cũng mong muốn các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, lá phiếu tín nhiệm không chỉ là ý chí của người đại biểu mà còn là tiếng nói của cử tri, của nhân dân gửi gắm. Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đều hướng đến mục đích cao nhất: Vì lợi ích đất nước và nhân dân.