Trải qua 29 năm phát triển, có thể nói ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam với thế mạnh nghỉ dưỡng biển, thể thao giải trí độc đáo trên biển – đồi cát, ẩm thực phong phú…
Bước vào chặng đường mới
Đặc biệt, bước “chuyển mình” thấy rõ là từ năm vừa qua khi lần đầu địa phương vinh dự đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Bên cạnh quảng bá hiệu quả hình ảnh điểm đến và tạo được tiếng vang, sự kiện này còn là “cú hích” để thu hút dự án đầu tư phát triển, hướng tới nâng cao chất lượng, đẳng cấp, chuyên nghiệp cho du lịch Bình Thuận trong chặng đường mới… Với Phú Quý – “đảo ngọc” của Bình Thuận, thời gian gần đây cũng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, được đông đảo du khách khắp nơi chọn tham quan, trải nghiệm trong những tháng có thời tiết sóng êm, biển lặng.
Cùng với đó, các tuyến cao tốc đường bộ như Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo đi qua địa bàn tỉnh chính thức đưa vào khai thác đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, tạo sức hút mạnh mẽ đối với thị trường khách du lịch phía Nam… Nhờ các yếu tố thuận lợi, ngành du lịch địa phương khép lại năm 2023 rất thành công với những con số ấn tượng: Đón khoảng 8,35 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 46% so năm trước đó (riêng khách quốc tế có 274.300 lượt khách, tăng 3,13 lần), còn doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so cùng kỳ.
Bước vào chặng đường mới, trong quý đầu năm nay Bình Thuận cũng đã tổ chức Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, địa phương tập trung thu hút đầu tư mà trọng tâm là phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh: Công nghiệp – Du lịch, dịch vụ – Nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại… Riêng lĩnh vực du lịch sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời giữ vững hình ảnh điểm đến Bình Thuận “An toàn – Thân thiện – Chất lượng”. Hướng tới xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch – Thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế, còn Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Gắn với tận dụng các yếu tố thuận lợi, Bình Thuận luôn tích cực và chủ động trong công tác xúc tiến du lịch, truyền thông, quảng bá điểm đến bằng đa dạng hình thức, góp mặt tại nhiều sự kiện trong lẫn ngoài nước. Tại địa phương thì duy trì tổ chức Chương trình chào đón, chúc tết những du khách đầu tiên đến Bình Thuận vào ngày đầu năm mới âm lịch và chúc tết du khách tại cơ sở lưu trú du lịch. Dịp kỷ niệm Ngày Du lịch Bình Thuận năm nay (24/10/2024), ngành cũng xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần lễ vàng Du lịch Bình Thuận với nhiều hoạt động hút khách diễn ra tại Novaworld Phan Thiết – xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết…
Hướng tới những con số ấn tượng
Bước “chuyển mình” của điểm đến Bình Thuận cũng cho thấy sự góp sức từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, hình thành sản phẩm mới, cải thiện chất lượng dịch vụ, tham gia các gói kích cầu du lịch, đón và phục vụ khách chu đáo… Qua đó cùng toàn tỉnh đón hơn 7,3 triệu lượt khách trong 3 quý đầu năm nay (tăng 11,42% so cùng kỳ năm ngoái), tính riêng khách quốc tế có khoảng 293.000 lượt khách (tăng 53% so cùng kỳ). Cùng thời gian, doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận ước đạt 18.630 tỷ đồng (tăng 8,47% so cùng kỳ năm ngoái).
Những tháng tới đây, du lịch địa phương sẽ tăng tốc “về đích” các chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2024: Đón 9,55 triệu lượt khách (tăng 14,36% so năm 2023), trong đó khách quốc tế có 320.000 lượt (tăng 16,67%) và đạt tổng doanh thu 25.500 tỷ đồng (tăng 14,35%)… Được vậy thì đây là kết quả đáng ghi nhận trong bước “chuyển mình” của ngành, đồng thời vượt mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra đến năm 2025 đón 8,9 triệu khách. Đó cũng là động lực để địa phương cùng toàn ngành tiếp tục vươn lên trong năm mới, ghi dấu với những con số ấn tượng hơn nhằm thiết thực chào mừng du lịch Bình Thuận tròn 30 năm trên chặng đường hình thành và phát triển (1995 – 2025).
Được biết trong năm tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau cũng như làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh. Thêm vào đó cũng tập trung triển khai đề án “Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh ban hành vào giữa năm nay. Trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển – rừng – đồi cát (thể thao biển, thể thao trên cát…). Ngoài ra cũng từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11,4 triệu lượt vào năm 2025 và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 10%…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-29-nam-ngay-du-lich-binh-thuan-24-10-1995-24-10-2024-diem-den-binh-thuan-chuyen-minh-trong-chang-duong-moi-125095.html