Trải qua chặng đường 28 năm hình thành và phát triển, có thể nói sau khi vượt qua thách thức mang tên “đại dịch Covid – 19” thì đây là thời điểm mà du lịch Bình Thuận đứng trước nhiều cơ hội để tự tin hướng đến những mục tiêu cao hơn…
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch địa phương đang là “điểm sáng” bởi vinh dự được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh. Cùng với tuyến cao tốc đường bộ đoạn Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo chính thức đưa vào sử dụng, gần đây ngành “công nghiệp không khói” của địa phương càng thêm sức cạnh tranh hút khách.
Tận dụng cơ hội, Bình Thuận đã đẩy mạnh xúc tiến quảng bá cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện để đón, phục vụ lượng khách tăng cao trong thời gian qua, nhất là vào những dịp lễ (30/4 – 1/5, Quốc khánh 2/9) và cao điểm du lịch hè 2023. Nhờ giao thông thuận tiện với thời gian di chuyển được rút ngắn đáng kể, lượng khách từ khắp nơi đến Bình Thuận hầu như vào tất cả các ngày trong tuần, vì vậy giúp hoạt động du lịch luôn diễn ra khá sôi động… Chỉ tính trong 3 quý đầu năm nay, toàn tỉnh đã đón 6,984 triệu lượt khách, tăng gần 76% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 103,93% so kế hoạch năm nay (riêng khách quốc tế có 200.700 lượt, tăng gần 4 lần so cùng kỳ). Cùng thời gian, doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước và vượt 7,13% so kế hoạch năm 2023.
Nhìn tổng quan bức tranh kinh tế Bình Thuận qua 9 tháng đầu năm nay, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng thực tế cũng cho thấy 3 trụ cột kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng. Đặc biệt lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí được đánh giá có mức tăng trưởng mạnh, đột phá và thể hiện gam màu sáng chủ đạo trong bức tranh kinh tế chung… Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin xúc tiến quảng bá, tích cực triển khai chương trình kích cầu phù hợp nhằm nhanh chóng phát triển các thị trường du lịch, nhất là chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển đa dạng chương trình, sản phẩm du lịch mới, đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch và giữ vững hình ảnh điểm đến “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn – Chất lượng”. Cùng với đó tập trung tổ chức thành công Lễ bế mạc và các sự kiện còn lại trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” để tạo ấn tượng đẹp trong lần đầu được đăng cai.
Như vậy so kế hoạch năm 2023 đề ra, hiện cả 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành (về lượng khách và doanh thu) đã chính thức “về đích” trước 3 tháng, song du lịch Bình Thuận cũng cần nỗ lực hướng tới những mục tiêu cao hơn… Còn nhớ cách đây tròn 2 năm – ngày 24/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó Nghị quyết có đề ra mục tiêu: Thu hút du khách đến Bình Thuận nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần hơn và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…
Chững chạc ở tuổi 28 và đã bước qua đại dịch Covid – 19, du lịch Bình Thuận sẽ tranh thủ lợi thế về “thiên thời, địa lợi”, tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mà mình sở hữu. Trước mắt, đó có thể là phấn đấu chạm cột mốc đón 8 triệu lượt khách trong năm nay, hay như tận dụng hiệu quả cơ hội “vàng” khi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh để lan tỏa hình ảnh, thương hiệu điểm đến. Từ đó góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển nhanh và bền vững vào những năm tiếp theo, đồng thời khẳng định du lịch là một trụ cột kinh tế vững chắc của kinh tế địa phương… Và hơn thế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 06 đã đề ra: Đến năm 2025 phấn đấu đón 8,9 triệu lượt khách (riêng khách quốc tế chiếm từ 10 – 12%) với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 – 11%. Còn đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm từ 15 – 20%) cùng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh lên 12 – 13%. Đồng thời xúc tiến xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.