Theo kế hoạch, từ ngày 24/9 đến 17/10, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thanh tra ở Việt Nam về chương trình kiểm soát dư lượng trong thủy sản nuôi trồng. Kết quả kiểm tra này sẽ ảnh hưởng không chỉ sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu, mà còn dây chuyền sang các thị trường khác và toàn ngành thủy sản.
Khai thác hay nuôi trồng thủy sản đều gặp khó
Tại Hội nghị phổ biến, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EU về chương trình dư lượng trong thủy sản nuôi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, đại diện Phòng An toàn thực phẩm (ATTP), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, sau thanh tra năm 2023 của EU, Bộ đã ban hành chương trình kiểm soát riêng cho các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu. Có 10 vấn đề được EU chỉ ra, Việt Nam đã đáp ứng được 9 vấn đề, còn 1 vấn đề về dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Sau đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các tỉnh đã ban hành kế hoạch nhưng dường như các cơ sở, cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản ít quan tâm đến vấn đề này và tiếp tục dùng kháng sinh bừa bãi. Đại diện Bộ NN&PTNT cảnh báo, trong tháng 10 tới, nếu không gỡ được “thẻ vàng” IUU trong khai thác thủy sản, thêm dư lượng trong thủy sản nuôi có vấn đề, EU hoàn toàn đóng cửa đối với thủy sản Việt Nam tại thị trường châu Âu.
Thông tin trên rất đáng quan ngại, khi nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang có bước phát triển theo hướng công nghiệp đạt năng suất cao. Với sản lượng khai thác nuôi trồng hải sản hàng năm đạt 11.000 – 12.000 tấn, đã tạo điều kiện phát triển ngành chế biến thủy sản của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 218 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản trong đó có 31 doanh nghiệp chế biến được xuất khẩu trực tiếp với tổng sản lượng chế biến khoảng 64.800 tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đều được chứng nhận và áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP, tiêu chuẩn BRC… So với năm 2013, sản lượng thủy sản chế biến (đông lạnh) năm 2023 tăng 12,54%, sản lượng nước mắm tăng 28,24%; số cơ sở được chứng nhận HACCP tăng 170%.
Hiện nay, ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản được tỉnh Bình Thuận xác định là ngành hàng chủ lực, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. So với những năm trước đây, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến thủy sản. Riêng sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đến nay đã đến các châu lục trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Phi, Trung Đông, ASEAN…
Để giữ vững thị trường xuất khẩu
Tuy nhiên, theo Cơ quan Thực thi các chính sách về an toàn sức khỏe và thực phẩm của EU (DG-SANTE), gần đây số lượng các lô hàng thủy sản từ Việt Nam bị cảnh báo do dư lượng hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng đã gia tăng đáng kể. Điều này đã dẫn đến quyết định của EU tiến hành thanh tra thực địa nhằm đánh giá toàn diện chương trình kiểm soát dư lượng tại Việt Nam. Chương trình thanh tra này là một phần trong kế hoạch kiểm tra và phân tích an toàn thực phẩm của EU từ 2021 – 2025.
Theo ngành chức năng, kháng sinh vẫn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Nếu dùng đúng loại, nồng độ và liều lượng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của các loài thủy sản như tôm, cá ốc… thì nó mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh gây hại, đặc biệt là trên tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, hầu như người nuôi tôm không nắm được loại kháng sinh nào bị cấm sử dụng, nồng độ bao nhiêu là phù hợp và thời gian cách ly bao lâu để đảm bảo an toàn. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư nuôi tôm qua cải tạo ao, sử dụng con giống chất lượng, quản lý và chăm sóc tôm nuôi đúng quy trình… thì việc trang bị kiến thức an toàn thực phẩm trên con nuôi cho người dân cũng là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt, gần đây trên địa bàn tỉnh đã có cơ sở đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh trên tôm, thay vào đó là 100% chế phẩm sinh học thân thiện môi trường, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Cục Thủy sản và ngành chức năng. Nuôi tôm sạch là một trong những giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước ta.
Để tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và triển khai các kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra này. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiệm nghiêm các quy định Luật An toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư liên quan. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Về phía tỉnh trong thời gian tới, sẽ tăng cường phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, chú trọng ứng dụng công nghệ tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển chế biến thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng…
EU là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam. Nếu kết quả thanh tra lần này không tích cực, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/kiem-soat-du-luong-trong-thuy-san-nuoi-trong-co-kho-124126.html