Đây là một trong những nội dung rất được các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh quan tâm tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 10/2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức chiều nay (31/10).
Tại hội nghị giao ban, ông Nguyễn Thanh Phúc – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau đã thông tin quá trình triển khai thực hiện Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới KBTB Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận”. Đến nay, Đề án điều chỉnh ranh giới, diện tích KBTB Hòn Cau đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thống nhất thông qua, đã được UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Căn cứ kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 609-TB/VPTU ngày 23/10/2023, BQL khu bảo tồn biển Hòn Cau đang hoàn thiện Đề án để trình UBND tỉnh gởi lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy trình, thủ tục quy định.
Được biết, KBTB Hòn Cau đã được UBND tỉnh Bình Thuận thành lập vào năm 2010 và hoạt động theo Quy chế quản lý hoạt động số 42/2012/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 của UBND tỉnh. Đây là khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh với tổng diện tích 12.500 ha; thuộc phạm vi 3 xã Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; được phân thành 4 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển. Mục tiêu của KBTB Hòn Cau là bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản.
Qua hơn 10 năm hoạt động, trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, là những dự án kinh tế trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đang có sự chồng lấn trong vùng nước của khu bảo tồn biển. Điều này không những ảnh hưởng lớn đến chức năng của khu bảo tồn, khó đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn đã đề ra mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án nói trên tại khu vực này. Bên cạnh đó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Khu bảo tồn biển sau 10 năm hoạt động để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý, tiến tới phát triển bền vững cũng chưa được thực hiện.
Theo Đề án, sau khi điều chỉnh KBTB Hòn Cau sẽ có diện tích là 16.607,5 ha (16.467,5 ha biển và 140 ha đất). Cụ thể, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 1.523,5 ha, gồm phần biển là 1.384,5 ha và phần đất trên đảo Hòn Cau là 139 ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 963,7 ha biển; phân khu dịch vụ – hành chính có diện tích là 14.120,3 ha, gồm 4.119,3 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau. Vùng đệm của KBTB Hòn Cau sẽ có diện tích biển là 1.356 ha.
Theo phương án, KBTB Hòn Cau được điều chỉnh từ 4 vùng chức năng (vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển) theo phê duyệt tại Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh thành 3 phân khu chức năng (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính) và vùng đệm theo quy định mới tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì nguyên hiện trạng hoặc điều chỉnh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Bãi cạn Brenda, Hòn Cau và phân khu phục hồi sinh thái ven bờ xã Vĩnh Tân, Đề án đã thiết lập mới 2 phân khu phục hồi sinh thái tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể và xã Bình Thạnh nhằm bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi, đặc biệt là bảo tồn, bảo vệ và phát huy cảnh quan khu vực bãi rêu và bãi đá bảy màu, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích thắng cảnh chùa Cổ Thạch.
KBTB Hòn Cau là một trong 16 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển… Hòn Cau được các nhà nghiên cứu đánh giá có vị trí cực kỳ quan trọng, là ngư trường rộng lớn của Việt Nam.
M. VÂN