BTO-Đây là một trong những đề xuất tại diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững” do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hội làm vườn và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức tại TP. Phan Thiết vào chiều 22/9.
Diễn đàn dưới sự chủ trì của ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam; Hiệp Hội rau quả Việt Nam, cùng sự tham dự của đại diện một số cơ quan Trung ương, sở, ban, ngành, địa phương liên quan và một số hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thanh long Bình Thuận.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Tấn nhấn mạnh, Bình Thuận có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi nên tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước. Hiện nay, tỉnh có khoảng 28.000 ha với sản lượng trên 550.000 tấn/năm. Cây thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nông dân tỉnh nhà.
Tuy nhiên, ngành hàng thanh long đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập của nông dân từ cây thanh long giảm. Bên cạnh, khả năng cạnh tranh còn yếu, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Riêng chế biến ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản còn đơn giản…Do đó, diễn đàn này với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, nông dân…sẽ cùng đánh giá những hạn chế, tồn tại, thách thức, khó khăn của ngành hàng thanh long… Đồng thời đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển thanh long trong thời gian đến.
Tại diễn đàn, đại diện Cục trồng trọt cho rằng, mặc dù đến nay thanh long Bình Thuận đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhưng khó khăn là phần lớn sản xuất với quy mô, diện tích nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết.
Trong khi đó, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng tăng… Chính vì vậy, một trong những giải pháp phát triển bền vững là các địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng, củng cố các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất an toàn, sản xuất có chứng nhận; tiếp tục tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như quy trình rải vụ thanh long, quản lý sâu bệnh…
Còn theo ý kiến của ông Đặng Phúc Nguyên – Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để giữ vững thị phần, chúng ta không nên mở rộng thêm diện tích trồng mới, ngược lại có thể phối hợp đơn vị chuyên môn nghiên cứu thu hẹp một số vùng trồng không hiệu quả để chuyển sang trồng các cây khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu sử dụng thanh long trong sản xuất mỹ phẩm…
Về phía các hợp tác xã, nông dân trồng thanh long trong tỉnh hầu hết đều bày tỏ mong muốn có đầu ra ổn định cho mặt hàng này. Nông dân cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh; các doanh nghiệp lớn cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô nhỏ phát triển bền vững hơn, nông dân trồng thanh long sẽ yên tâm sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 500 tổ hợp tác với gần 10.000 hộ; 35 hợp tác xã và 1 Liên minh HTX. Đến nay tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long… Một trong những giải pháp được đề ra để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững, trước hết nông dân và các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ… Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Song song, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định…