Bài 3: Bình Thuận được gì sau hành trình 6 năm gỡ “thẻ vàng”?
BTO – Ngay sau khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã rốt ráo vào cuộc. Tại Bình Thuận, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Từ Chỉ thị ấy, ngành thủy sản Bình Thuận đã có những chuyển biến tích cực, dù chưa bền vững, nhưng cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Quyết liệt từ 1 chỉ thị
Trên tinh thần Chỉ thị số 30, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị chung tay triển khai nhiều phần việc liên quan. Nhìn lại quá trình hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua từng năm. Đặc biệt trong gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021), Bình Thuận không có tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn nguy cơ cao. Nhưng có thể nói, đây là bước chuyển mới, quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong nỗ lực chống khai thác IUU, Không chỉ vậy, ngư dân đã nâng cao nhận thức, thấy rõ hơn tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tại Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chống khai thác IUU có nêu rõ: Phải triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023…
Với tinh thần đó, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh họp thường kỳ, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể và đề ra rất nhiều giải pháp “vừa rắn vừa mềm”, vừa tuyên truyền sâu rộng đến từng chủ tàu cá, vừa thực hiện hoàn thành 4 nhóm khuyến nghị của EC. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 5 đến nay, toàn tỉnh liên tục tổ chức các đợt cao điểm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết chống khai thác IUU, để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra tại Việt Nam lần thứ 4.
Sau gần 6 năm chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU, Bình Thuận đã từng bước giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, là một trong ít tỉnh, thành đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động và phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác có sự cải thiện. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện tổng rà soát, thống kê tàu cá hiện có và gia tăng tỷ lệ tàu cá đăng ký, cấp phép khai thác, đăng kiểm. Tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận, công tác phòng, chống khai thác IUU của tỉnh có cải thiện nhưng chưa bền vững. Đầu năm 2023, Bình Thuận vẫn để xảy ra 1 trường hợp tàu cá ở xã Tân Xuân – huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, Bình Thuận cùng 3 tỉnh khác là Kiên Giang, Bình Định và Khánh Hòa đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Bám sát nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ việc trên. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND xã Tân Xuân; Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Tân; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân phụ trách công tác chống khai thác IUU; Chỉ huy trưởng và Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách chống khai thác IUU; đồn trưởng Đồn Biên phòng phụ trách địa bàn có tàu cá vi phạm; Giám đốc và Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phụ trách chống khai thác IUU. Đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hàm Tân, cấp ủy địa phương và tổ chức đoàn thể cấp trên chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm theo đúng kết luận chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 154-TB/TU ngày 3/4/2018.
Đợt “sát hạch” quan trọng vào tháng 10
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh, nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị được nêu tại Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Và xác định đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách để tập trung nguồn lực thực hiện.
Bình Thuận cũng như 28 tỉnh, thành ven biển đã rất nỗ lực để tháng 10 này, hy vọng Việt Nam sẽ “hái quả ngọt”, đảm bảo hải sản Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Vì thế, gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên tục ban hành các công văn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể phòng, chống khai thác IUU, đặc biệt là các nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2023. Trong đó, yêu cầu tiên phong và quan trọng nhất là tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo các lực lượng chức năng (Biên phòng, Công an, Kiểm ngư) và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc địa bàn, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại bờ và khi hoạt động trên biển.
Đồng thời, rà soát Quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các địa phương có liên quan và với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá của tỉnh hoạt động ngoài tỉnh và hoạt động đánh bắt xa bờ. Chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, lập hồ sơ xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định pháp luật, công khai danh sách để răn đe, giáo dục… Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn yêu cầu kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ, nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU, kịp thời chấn chỉnh các hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm…
Tin rằng, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng những nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện thường xuyên từ Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến nay; cũng như sự đồng thuận, chấp hành nghiêm của ngư dân, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ sớm được chấm dứt như kỳ vọng. Khi đó, với Bình Thuận, “thẻ vàng” không còn là điểm nghẽn, mà là động lực để từng bước xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Đoàn kiểm tra của EC vào tháng 10/2023 là Đoàn kiểm tra cuối cùng của nhiệm kỳ châu Âu hiện tại. Do đó nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có thể phải mất 2 – 3 năm nữa Việt Nam mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU.
Bài 1: “Trộm cắp” trên biển, vô tình hay hữu ý?
Bài 3: Bình Thuận được gì sau hành trình 6 năm gỡ “thẻ vàng”?
MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN