BTO-Cũng như các tỉnh, thành có biển trong cả nước, Bình Thuận những năm qua đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn nguy cơ rất cao, nhất là nhóm tàu xuất bến ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do liên quan đến thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế.
Kiểm soát đội tàu có “nguy cơ cao”
Từ khi bị EC phạt “thẻ vàng”, công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Qua đó, đã hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài hàng năm. Tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng ngư dân lén lút khai thác tại vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Hầu hết các trường hợp tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua đều rơi vào nhóm tàu xuất bến ngoài tỉnh.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và PTNT – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đã phối hợp các địa phương thống kê, rà soát, đưa vào giám sát đặc biệt 113 tàu cá của tỉnh đánh bắt xa bờ có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, thực hiện giám sát đặc biệt đối với tàu cá có lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa tỉnh với các tỉnh bạn, các lực lượng chức năng trên biển (cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư). Kiên quyết không cho xuất bến, xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng không chấp hành đầy đủ các quy định khi hoạt động trên biển. Nhờ vậy, ngoài vụ việc 1 tàu cá huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023, đến nay chưa phát sinh thêm trường hợp nào.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có chuyến công tác đến 5 tỉnh có tàu cá của tỉnh Bình Thuận đang lưu trú, hoạt động để gặp gỡ trực tiếp chủ tàu, thuyền trưởng, lao động nhằm tuyên truyền, vận động phòng, chống khai thác IUU. Tại 5 tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, đều là những địa phương có ký kết quy chế phối hợp với Bình Thuận. Do đó công tác trao đổi thông tin theo Quy chế phối hợp cũng như theo Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý tàu cá của các tỉnh hoạt động ngoài tỉnh, đều được các tỉnh quan tâm thực hiện khá nghiêm túc.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc quản lý đội tàu xuất bến ngoài tỉnh vẫn còn nhiều bất cập vì chỉ có tàu cá Bình Thuận vào cập cảng hoặc qua các Trạm Kiểm soát Biên phòng thì các cơ quan chức năng sở tại mới biết, kiểm tra, giám sát. Đối với tàu cá không cập cảng hoặc trốn tránh các Trạm Kiểm soát Biên phòng (nhiều cửa sông, cửa lạch không có Trạm Biên phòng), thì các cơ quan chức năng không thể nắm bắt. Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, cần quan tâm nhất trong quản lý tàu cá Bình Thuận hoạt động tại các tỉnh bạn vì không thể biết tàu cá thực tế đang ở tỉnh nào, nếu tàu cá không lắp VMS hoặc cố tình ngắt kết nối thiết bị VMS. Đặc biệt là nhóm tàu câu, lặn, thu mua thường xuyên hoạt động tại các tỉnh phía Nam.
Luật trên bờ, dưới biển… chưa nghiêm
Một trong những lý do khách quan khác khiến tình trạng này chưa thể chấm dứt ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung, là việc phân định ranh giới trên biển chưa rõ ràng. Một số ngư dân cho biết, do mải miết đi tìm luồng cá, nên thỉnh thoảng vô tình xâm phạm vào vùng biển nước ngoài, thực chất đây là vùng biển chồng lấn, chưa được phân định rõ ràng, nhưng nhiều tàu vẫn bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Việc phân định ranh giới trên biển còn chồng lấn giữa các nước và đến nay Việt Nam chưa công bố bản đồ chính thức của vùng biển nước mình. Vì thế, nhiều ngư dân bị nước ngoài bắt giữ ngay vùng biển chồng lấn, nhưng chưa được ngành chức năng bảo vệ. Từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản đã phát hiện, kêu gọi 32 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam. Do đó, việc tỉnh đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động với 1.945/1.945 chiếc, sẽ giúp ngành chức năng tăng cường theo dõi, giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam, hạn chế thấp nhất tình trạng ngư dân vô tình bị bắt ở vùng biển chồng lấn”.
Theo phân tích của các chuyên gia, đối với các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định thì các quốc gia cần thỏa thuận để thống nhất giải pháp tạm thời là “khai thác chung”. “Hiện nay hầu hết trên Biển Đông đang xảy ra tình trạng tranh chấp, chồng lấn đường biên giới biển với các nước. Do đó, ngư dân mơ hồ, không rõ đâu mới là vùng biển được quyền đánh bắt. Ngay cả trong trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định giữa hai nước, thì lực lượng chấp pháp các nước cũng không có quyền bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử đối với ngư dân Việt Nam, vì việc này trái theo quy định Công ước 1982” – Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ chia sẻ.
Thêm 1 nguyên nhân nữa khiến nạn đánh bắt cá trái phép chưa thể “xóa sổ” là mức xử phạt còn khiêm tốn và chế tài chưa đủ sức răn đe. Ở Việt Nam, biện pháp phạt tiền cao nhất đối với hành vi IUU là 1 tỉ đồng (khoảng 0,045 triệu USD) thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (gần 6,4 triệu USD), Indonesia (khoảng 1,5 triệu USD), Philippines (khoảng 1 triệu USD), Malaysia (khoảng 0,26 triệu USD)… Ngoài ra, các nước trong khu vực truy tố hình sự đối với người thực hiện hoạt động IUU án tù có thể 2, 3 hoặc đến 10 năm tù. Trong khi đó, luật hình sự Việt Nam hiện chỉ quy định tội “hủy hoại nguồn lợi thủy sản” tại Điều 242 mà chưa coi hành vi đánh bắt bất hợp pháp là tội phạm. Như phân tích ở bài 1, chỉ có thuyền trưởng, lao động biển bị bắt tù, phạt tiền lâm vào cảnh khó khăn, riêng chủ tàu (không tham gia đánh bắt) lại vô sự, chế tài không đáng kể.
Là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước với số lượng tàu thuyền toàn tỉnh hơn 7.800 chiếc, nhưng việc xử lý vi phạm khai thác IUU ở Bình Thuận vẫn còn hạn chế, chưa nghiêm, tỷ lệ xử phạt rất thấp. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản mới xử lý 249 vụ, thu phạt hơn 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng ngành chức năng chỉ mới ra quyết định xử phạt 2 trường hợp với số tiền 900 triệu đồng/chủ tàu.
Tại nhiều cuộc họp BCĐ chống khai thác IUU của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo quyết liệt: “Nếu không xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm IUU, thì sẽ không đủ sức răn đe. Ta hay nghĩ ngư dân nghèo, phạt nặng thì tội người ta, nhưng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói, chúng ta không biện minh cái nghèo với EC được. Họ cần chúng ta hành động. Có như vậy, Việt Nam mới mong gỡ được “thẻ vàng” trong tháng 10 này”.
Thời gian tới, các quốc gia khu vực Biển Đông cần nhanh chóng đàm phán, thành lập Tổ chức Quản lý Nghề cá gồm 9 quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Tổ chức Quản lý Nghề cá này có chức năng quản lý, giám sát, thực thi tất cả những vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá trong khu vực như: quản lý, điều tra về sản lượng, hạn ngạch khai thác, nguồn lợi thủy sản, đội tàu, trang thiết bị tàu cá… Đặc biệt, tổ chức này phải hợp tác có hiệu quả, để tiến tới phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp. Từ đó, xây dựng nghề cá trong khu vực biển Đông hiện đại, phát triển bền vững, có trách nhiệm và phù hợp với Luật pháp Quốc tế”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Hữu Phước – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
Bài 1: “Trộm cắp” trên biển, vô tình hay hữu ý?
Bài 3: Bình Thuận được gì sau hành trình 6 năm gỡ “thẻ vàng”?
MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN