Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh có 10 huyện, thị, thành hội, 124 cơ sở hội và 755 chi hội nông dân với gần 149.000 hội viên.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong những năm qua, các cấp hội đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp, phát triển hội viên, làm cho nông dân có ý thức rõ về sứ mệnh, vai trò chủ thể của mình, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn. Trong đó, phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội phát động phong trào thi đua, tổ chức đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Kết quả, có 100% cơ sở Hội, 10/10 huyện, thị, thành Hội tổ chức phát động, có trên 70% số hộ nông dân đăng ký thi đua và ký kết giao ước thực hiện. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức 122 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, 16 hội thảo cho hơn 7.329 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về trồng, chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng, chăm sóc cây bắp lai, phòng bệnh trên cây lúa, kỹ thuật chăm sóc cao su, bảo quản thủy sản sau khi đánh bắt; tổ chức sự kiện “Ngày công nghệ trái cây sáng tạo”; triển khai dự án “Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây sầu riêng theo hướng an toàn sinh học” tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc; “Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”…
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 5 HTX; nâng tổng số đến nay 445 mô hình kinh tế hợp tác do Hội trực tiếp hướng dẫn, thành lập (67 Hợp tác xã, 378 tổ hợp tác). Đặc biệt, công tác tạo vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất luôn được các cấp hội quan tâm. Trong năm tiếp tục phối hợp các ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Đối với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (3 cấp) hiện nay có tổng dư nợ trên 38 tỷ đồng cho 1.951 hộ vay/322 dự án. Từ sự hỗ trợ vốn và phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình trồng và chăm sóc cao su, điều, trồng sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, nhân giống lúa xác nhận ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh; chăn nuôi bò sinh sản Vĩnh Tân, Phú Lạc, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong); nuôi cá chình nước ngọt (Gia An, Tánh Linh); trồng nho, táo nhà lưới, cây bưởi da xanh ở xã Phước Thể, xã Phong Phú, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong…
Cùng với hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã phối hợp vận động nông dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng; bảo vệ môi trường với trị giá 22,6 triệu đồng, 275 ngày công lao động và làm mới, sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng 15,3 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 23 km kênh mương nội đồng.
Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi giai đoạn 2022 – 2027 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn vệ sinh môi trường cộng đồng, thôn xóm.