BTO-Bảo tàng tỉnh vừa tổ chức khai mạc lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của người K’ho xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Đây là nội dung nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tham dự khai mạc lớp truyền dạy có ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo UBND xã La Dạ, các nghệ nhân hướng dẫn và 20 học viên là con em người K’ho ở địa phương.
Ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Đan lát là nghề thủ công truyền thống đóng vai trò quan trọng, gắn liền với tập quán sản xuất lâu đời của người K’ho xã La Dạ. Trước đây đan lát là nghề phụ, những lúc nông nhàn thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình tham gia. Các kỹ năng, kỹ thuật trong quá trình hoàn thiện sản phẩm đều được thế hệ trước truyền lại một cách cụ thể cho thế hệ sau qua phương pháp truyền dạy trực tiếp.
Hiện nay, tác động của nền kinh tế thị trường, vật dụng sinh hoạt trong gia đình của các tộc người thiểu số nói chung cũng như người K’ho ở xã La Dạ nói riêng đa số đều sử dụng bằng nhựa. Vật dụng truyền thống được làm từ mây tre ngày càng hiếm hoi, đặc biệt những người biết nghề đan lát làm ra các vật dụng truyền thống trong cộng đồng ngày càng ít đi. Vì vậy, qua lớp học, Giám đốc Bảo tàng tỉnh đề nghị các nghệ nhân và học viên chấp hành tốt nội quy, giờ giấc, năng nổ, nhiệt tình với niềm đam mê nghề thủ công truyền thống trong quá trình truyền dạy; tiếp thu và thực hành thành thạo kỹ thuật đan lát của ông bà, tổ tiên lưu truyền lại.
Lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống diễn ra trong 10 ngày (15 – 25/4) tại Nhà văn hóa xã La Dạ. Học viên sẽ được hướng dẫn làm ra các loại công cụ, đồ đựng như nia, rổ, nơm, gùi, sờ ví… phục vụ trong cuộc sống, lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.