Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực đồng hành cùng hội viên, nông dân phát huy vai trò kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Vào giữa tháng 8 vừa qua, đoàn công tác Hội Nông dân TP. Hà Nội đã có chương trình làm việc với Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận để trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng, quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân, tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Hướng đến kết nối tiêu thụ nông sản giữa hai tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Bình Thuận có mặt ở thị trường Hà Nội trong thời gian tới. Trong những ngày làm việc, Đoàn công tác Hội Nông dân TP. Hà Nội cùng Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã đến thăm trang trại thanh long công nghệ cao Liễu Đào ở xã Hàm Đức và Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc). Được biết, chủ trang trại Liễu Đào là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2023, có 40 ha thanh long đầu tư cơ giới hóa toàn bộ trong khâu sản xuất, cùng với đó, xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế đóng gói thanh long tươi xuất khẩu với sản lượng từ 1.000 – 2.000 tấn mỗi tháng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương. Đối với HTX thanh long sạch Hòa Lệ đây là HTX tiêu biểu của tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến các sản phẩm từ thanh long. HTX có 13 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, trong đó, 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận.
Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương – đại diện HTX thanh long sạch Hòa Lệ chia sẻ: “Tôi hy vọng qua đợt kết nối giữa Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận và Hội Nông dân TP. Hà Nội lần này sẽ giúp các sản phẩm từ trái thanh long của Bình Thuận nói chung và của HTX thanh long sạch Hòa Lệ nói riêng sẽ có mặt tại Hội Nông dân TP. Hà Nội và được người dân Hà Nội đón nhận”.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Hội Nông dân TP. Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cũng giới thiệu tiềm năng đặc sản lợi thế của địa phương. Thành phố Hà Nội hiện có trên 2.700 sản phẩm OCOP, có lợi thế trong hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại; có thế mạnh trong thực hiện chuyển đổi số cũng như liên kết kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản các vùng miền. Bình Thuận là 1 trong số gần 40 tỉnh, thành ký kết với thành phố Hà Nội để giao lưu học tập kinh nghiệm, hợp tác kết nối giao thương tiêu thụ nông sản, tạo cơ hội cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương có mặt ở thị trường Hà Nội và ngược lại.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP. Hà Nội cho biết: “Qua chương trình này, chúng tôi muốn phối hợp Hội Nông dân Bình Thuận để tăng cường, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đạt chất lượng OCOP; đồng thời, mong muốn các sản phẩm đạt chất lượng OCOP của Hà Nội sẽ đến với Bình Thuận. Bên cạnh đó, qua chương trình lần này sẽ phối hợp với Bình Thuận quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm chủ lực của tỉnh như thanh long và một số sản phẩm khác trên cơ sở xây dựng các hệ thống tư vấn cho hợp tác xã và liên kết trong quá trình tiêu thụ tại các siêu thị, hội chợ tại Hà Nội. Để công việc đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân TP. Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận sẽ ký kết chương trình phối hợp với nội dung chính là chia sẻ về kinh nghiệm trong hoạt động công tác hội, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân của 2 địa phương…”.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, sau chuyến công tác, kết nối, thời gian tới 2 đơn vị sẽ cùng nhau bàn chiến lược về cung tiêu, giá cả, phương thức vận chuyển trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau để giúp cho nông dân Hà Nội và Bình Thuận tiêu thụ được các sản phẩm lợi thế. Đặc biệt, hướng tới Hội Nông dân Bình Thuận sẽ cùng Hội Nông dân TP. Hà Nội bàn về chiến lược cây trồng lợi thế, góp phần mang lại lợi ích cho nông dân cũng như cho địa phương.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ket-noi-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-tu-cau-noi-hoi-nong-dan-123730.html