Hệ thống đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Phan Thiết và dự án cải tạo nâng cấp QL 1A đã và đang đưa vào khai thác góp phần đưa Bình Thuận trở thành tâm điểm của “tứ giác vàng du lịch” gồm: TP. Hồ Chí Minh – Phan Thiết – Đà Lạt và Nha Trang.
Điểm nghẽn giao thông “tứ giác vàng du lịch” đã được mở
Với những thuận lợi đó, nhiều năm qua làn sóng đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước khiến bộ mặt khu vực Hàm Tiến – Mũi Né và các khu vực khác của tỉnh Bình Thuận thu hút thêm khách du lịch quốc tế. Thực tế hiện nay cho thấy, Bình Thuận đã có nhiều công trình giao thông lớn, quan trọng, hiện đại được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tích cực, nhất là thời gian gần đây nhiều công trình giao thông đối ngoại, đối nội quan trọng, quy mô lớn đã và đang đẩy nhanh đầu tư xây dựng. Riêng hai tuyến đường đó là QL28 và 28B kết nối giữa Bình Thuận và Lâm Đồng trong những năm qua cũng đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp nhưng chưa xứng tầm để phát huy hiệu quả của nó. Tuyến QL 28 được nâng cấp, cải tạo 42 km từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến huyện Di Linh (Lâm Đồng) hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2007, góp phần thúc đẩy giao thông, thương mại 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Còn tuyến quốc lộ 28B, đoạn qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 51 km, trước đây là tuyến đường công vụ của Nhà máy thủy điện Đại Ninh, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nâng lên thành QL 28B thì điều kiện sửa chữa, bảo trì được quan tâm hơn. Đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa Bình Thuận và Lâm Đồng và khu vực Tây nguyên. Sắp tới tuyến đường này sẽ được nâng cấp, mở rộng có chiều dài khoảng 68 km, với số tổng mức đầu tư 1.435 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, kết nối giao thông thông suốt các tỉnh ven biển Nam Trung bộ với Tây nguyên.
Đối với những tuyến đường nội tỉnh cũng được quam tâm đầu tư trong những năm gần đây. Theo đó, đường trục ven biển với chiều dài 237 km đã được đầu tư trải nhựa, đây là tuyến giao thông rất quan trọng chạy dọc chiều dài bờ biển của tỉnh để phát triển du lịch và dịch vụ. Hệ thống giao thông đô thị TP. Phan Thiết cũng được quan tâm đầu tư như: Tuyến đường ĐT 716, ĐT 719, ĐT 706B, đường từ cầu Hùng Vương đến đường 706B, đường Tôn Đức Thắng, đường Lê Duẩn… các đường tỉnh lộ, huyện lộ cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03, ngày 16/3/2011 về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, cũng đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân để làm giao thông nông thôn. Đến nay đã thực hiện đầu tư được 1.277/4.764 tuyến đường bê tông xi măng, góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, sản xuất của nhân dân. Tới thời điểm này hệ thống đường giao thông từ huyện đến các trung tâm xã, thôn, xóm được liên thông và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện.
Phát triển cảng biển
Có thể thấy, một trong những điều kiện quan trọng để góp phần phát triển kinh tế – xã hội đó là phát triển hệ thống giao thông. Trong giai đoạn mới hiện nay, nhu cầu phát triển giao thông lại càng được đặt ra, với mục tiêu cao hơn, đó là tạo ra bước phát triển vượt bậc để đưa Bình Thuận trở thành một trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội trong khu vực. Chính vì vậy, theo chiến lược phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ không dừng ở việc phát triển giao thông đường bộ, đường không và đường sắt, mà còn tiếp tục phát triển giao thông đường biển nhằm đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn kết được giao thông địa phương với giao thông vận tải quốc gia và quốc tế, tạo sự liên hoàn thông suốt và chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với xu thế hiện nay. Trước đây Bình Thuận chưa có cảng biển mà chỉ có tuyến đường biển Phan Thiết – Phú Quý. Để phát triển theo xu thế hiện nay, tỉnh Bình Thuận hiện đã hình thành được 3 cảng biển đó là cảng Phú Quý, cảng vận tải Phan Thiết và cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân đang phát huy hiệu quả tốt. Cảng Phú Quý hiện đang tiếp nhận các loại tàu vận tải có trọng tải lên đến 1.000 tấn và đang thi công cải tạo đê chắn sóng, nạo vét luồng đáp ứng cho tàu 2.000 DWT, là cửa ngõ chính kết nối huyện đảo Phú Quý với đất liền. Cảng vận tải Phan Thiết có quy mô tiếp nhận tàu đến 1.000 tấn, đã hoàn thành một số hạng mục bến cảng phục vụ tốt cho vận tải hành khách và hàng hóa. Còn cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân đã đưa vào khai thác bến cập tàu 3.000 DWT và bến 50.000 DWT để kết hợp với cảng vận tải Phan Thiết và cảng Phú Quý, đáp ứng nhu cầu vận tải, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên…