Trên cánh đồng lúa 14 ha tại xã Thuận Hòa của hợp tác xã (HTX) Phú Thịnh, Hàm Thuận Bắc, hình ảnh trình diễn của chiếc máy bay không người lái đang phun thuốc đã hiện thực hóa nung nấu của nông dân về hành trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con giảm chi phí đầu tư, bảo vệ sức khỏe, môi trường, hướng đến “cánh đồng không dấu chân” trong tương lai gần.
Máy bay phun thuốc không người lái
Có mặt ở cánh đồng lúa cuối vụ đông xuân, ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc HTX Phú Thịnh, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, hình ảnh này là buổi trình diễn máy bay không người lái vừa diễn ra trên cánh đồng lớn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Đại Nông Cơ Giới (Tánh Linh) thực hiện trên đồng lúa của HTX, với sự chứng kiến của một số nông dân trồng lúa tại địa phương… Đây cũng là một trong những nội dung triển khai của ngành nông nghiệp tỉnh về thực hiện Nghị quyết 05/NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như công nghệ số, tự động, máy móc thiết bị hiện đại vào chuỗi sản xuất.
Theo Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc, hiện nay việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất của địa phương còn hạn chế, rất cần đưa máy sấy, máy sạ cụm vào sản xuất mới giảm được giống, phân bón và áp dụng giảm nước tưới, sâu bệnh. Trong năm 2024 đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh gắn kết, xây dựng kế hoạch thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất. Trong đó có sử dụng máy bay không người lái được địa phương rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất lúa tại địa phương vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi phun thuốc bằng máy bay không người lái đòi hỏi diện tích lớn mới giảm chi phí, thuận lợi cho đơn vị cung cấp dịch vụ.
Để thực hiện tốt thực hiện cơ giới hóa, trung tâm vẫn đang phối hợp với các phòng, ban của huyện vận động bà con, gắn kết với các HTX để tập trung diện tích, chủ động kinh phí, coi đây là sự khởi sắc, tiền đề với sự tham gia tích cực của các hộ dân. Đồng thời, bà con cũng không thể phủ nhận những lợi ích trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mang lại, trong đó có máy bay không người lái phun thuốc thể hiện rõ nét nhất ở việc bảo vệ sức khỏe, tăng hiệu quả kinh tế của nông dân. Hiện nay, chi phí dịch vụ phun từ máy bay không người lái, nông dân chỉ tốn từ 230.000 – 250.000 đồng/ha. Trong khi thuê công phun lao động, chi phí tăng lên gấp đôi, ảnh hưởng đến sức khỏe…
Sẽ “phủ sóng” cơ giới hóa nông nghiệp
Ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng vùng lúa chất lượng cao, Trung tâm đã xây dựng các mô hình lúa chất lượng cao cho 5 huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Bên cạnh đó, xây dựng 15 mô hình cho một số giống lúa mới, vận động các HTX và kết nối với các doanh nghiệp đưa dịch vụ bay thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất lúa.
Đặc biệt, đơn vị xây dựng mô hình những “cánh đồng không dấu chân”, trong đó cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất và ứng dụng sản xuất “1 phải 5 giảm”. Qua ứng dụng cơ giới hóa giúp nông dân giảm khoảng 30% lượng thuốc BVTV sử dụng, bảo vệ sức khỏe, tránh tác hại đến môi trường. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang từng bước áp dụng sạ cụm, bay phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân. Mục đích mở rộng tuyên truyền cho các HTX, các nhóm hộ dân ở các vùng chuyên trồng cây lúa và cây ăn quả tập trung, tích cực hưởng ứng việc sử dụng các dịch vụ trên để tăng thu nhập cho người dân cũng như góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất.
Tại lễ ký kết hợp tác lĩnh vực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Đại Nông Cơ Giới diễn ra mới đây, đã thống nhất việc thực hiện cơ giới hóa máy móc nông nghiệp, phát triển công nghệ cơ giới hóa để tạo ra các giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho nông dân. Ngoài ra, cũng hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật bằng các hình thức tổ chức đào tạo, tư vấn và hướng dẫn về cách sử dụng và bảo dưỡng máy móc cơ giới hóa, nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng cho nông dân. Song song đó, tạo ra các chương trình và dự án hợp tác nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao hiệu suất…
Hiện toàn tỉnh có trên 120.300 máy móc phục vụ trong sản xuất và phục vụ sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa khá cao trong các khâu làm đất đã giúp cho nông dân có cơ hội, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng, chủ động trong sản xuất. Nhưng để hướng đến “Cánh đồng không dấu chân” bằng cơ giới hóa, hiện Bình Thuận đang rất cần tập hợp liên bờ, liên ruộng, xây dựng các tổ hợp tác để tập hợp bà con. Khi ấy việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới thực sự mang lại hiệu quả cao. Việc “phủ sóng” cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giúp nông dân tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…