Câu thơ trên đã thành một thương hiệu của nhà thơ Trần Thế Tuyển. Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia. Hai câu thơ như tăng thêm năng lượng để tôi có thể đọc gần như một mạch, gần 8.000 câu chia thành 6 chương của trường ca Quốc giỗ. Một trường ca giàu cảm xúc, thấm đậm tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Chất sử thi, Trần Thế Tuyển có cái nhìn xuyên suốt lịch sử dân tộc từ thuở hồng hoang, trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm. Thuở hồng hoang mà Cương thổ (chương 1) đã định sẵn hình hài: Thuở hồng hoang/ Bên bờ Thái Bình Dương/ Có rẻo đất bình yên/ Sông Cái chở nặng phù sa xuôi về biển/ Rừng đại ngàn, tiếng suối reo, lưu luyến/ Bước chân người hái quả, săn nai…
Chương 1 – Tác giả khẳng định một cương thổ rành mạch, rõ ràng, biết bao nghĩa quân quên mình, hiến dâng tuổi xuân để có hòa bình, độc lập và tự do. Những người lính ngã xuống từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Chương 2 – Dân tộc, khẳng định Việt Nam có 54 dân tộc anh em, một cương thổ không bao giờ cam chịu làm nô lệ, không run sợ trước mọi kẻ thù xâm lược: Trên dải đất thiêng liêng/ Cương thổ rạch ròi/ có năm tư dân tộc… Mẹ Âu cơ/ Cha Lạc long quân ngàn thuở/… hình thành nên xứ sở/… Dân tộc vững bền, cương thổ vàng son/… Cháu con nay vị quốc vong thân…
Chương 3 – Mở cõi. Công thổ dọc dài công đức cha ông… Mở cõi phương Nam mấy trăm năm gian khổ. Cuộc mở cõi xán lạn và anh hùng, niềm tự hào của những người lính bảo vệ Cương Thổ: Cương thổ dọc dài công đức cha ông/… Những người lính từ nhân dân mà ra/ Làm nên trận Xoài, Rạch Gầm/ Đánh tan quân Xiêm La can thiệp/ Máu đổ đất Chín Rồng dựng tượng đài hào kiệt… Mở đất phương Nam mấy trăm năm gian khổ/ Máu và xương ngập đỏ Nam Kỳ…
Chương 4 – Tổ quốc. Hình tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh gắn liền với hình tượng Tổ quốc – hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Có một ngày, bến cảng ấy Người ra đi/ Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước/ Bến Nhà Rồng giữ nguyên lời hẹn ước: “Sài Gòn ơi, ta sẽ trở về”. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kẻ thù kéo tới xâm chiếm nước ta một lần nữa, cả nước làm nên chiến thắng Điện biên Phủ. Thủ đô rợp cờ hồng/ Người và hoa, ba mươi sáu phố phường rạng rỡ/ Phía sau – những cánh rừng biết bao người nằm đó/ Tổ quốc thiêng liêng thắm đỏ sắc cờ.
Chương 5 – Nghĩa sĩ. Có hàng triệu triệu nghĩa sĩ đã ra trận đánh giặc giữ nước, hàng triệu nghĩa sĩ hy sinh bảo vệ non sông. Đó là những nghĩa sĩ/ giống nhau hơi thở/ Cùng nhịp trái tim/ Để đất nước bình yên/ Để trăm họ yên lành, hạnh phúc/ Họ xả thân vì nước/ Họ “Vị quốc vong thân”/ Để ngàn đời lưu danh/ Để ngàn đời đuốc sáng/… Những nghĩa sĩ ngã xuống cho trời Việt mãi xanh/… Những nghĩa sĩ/ Đã đổ máu đào/ Sống bất khuất, chết hiên ngang, sừng sững/ Cho Tổ quốc muôn đời bền vững/ Cho dân tộc ngàn đời hiển danh/ Đã đi vào sử sách/ Con cháu muôn đời ghi nhớ.
Vậy nên dân tộc này cần ngày Quốc giỗ – chương 6. Trên thực tế, ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày Giỗ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để cho Tổ quốc quyết sinh. Quốc giỗ như lời thề non sông/ Biết ơn tổ tiên, người dựng nước/ Tri ân những người hiến thân mình cho Tổ quốc/ Quốc giỗ như cánh buồm/ Căng gió chở tương lai và quá khứ/ Để cốt cách Việt chói ngời lịch sử/ Để âu vàng mãi mãi ngàn năm/… Quốc giỗ như bài ca/ Bài ca giữ nước/ Quốc giỗ như lời thề son sắt/ Hiến thân mình cho Tổ quốc vàng son.
Trần Thế Tuyển là cây bút viết về đồng đội, nửa thế kỷ cầm bút chỉ với một chủ đề duy nhất viết người lính Cụ Hồ. Ông nói: “Viết về đồng đội, về người lính chiến là mạch nguồn không bao giờ cạn, món nợ không bao giờ có thể trả hết”. Ngọn lửa cháy rực đam mê chỉ đau đáu một chủ đề – cuộc chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày Quốc giỗ mới chỉ có trên thực tế, chưa có một danh xưng tầm quốc gia. Và chính đây là thêm một tiếng lòng góp phần tạo danh xưng cho Quốc giỗ.