Vạn Tả Tân vừa tổ chức Lễ hội Cầu ngư (1 trong 3 lễ cúng tế có quy mô của vạn) ngay những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, đã thu hút đông đảo người dân địa phương lẫn du khách đến tham quan và tìm hiểu di tích lịch sử nơi đây.
Tuổi thọ hơn 200 năm
Lễ hội Cầu ngư diễn ra trong 3 ngày từ ngày 1 – 3/9/2023 (nhằm ngày 17 – 19/7 âm lịch), với nhiều hoạt động khá phong phú. Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển trên cả nước nói chung và ở thị trấn Phan Rí Cửa nói riêng, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá ông. Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ hội quan trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa – cầu ngư, cầu xin thần ban cho 1 năm “mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoan”.
Theo lịch sử địa chí Phan Rí Cửa, khi chiến tranh giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh vào năm 1627 phân gianh Đàng Trong, Đàng Ngoài thì ông Phan Hiệp là người ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh đã bỏ xứ sở quê hương vào đất Điện Bàn – Quảng Nam lập nghiệp làm ăn. Sau khi chiến tranh giữa Nguyễn Phúc Ánh và Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ kết thúc, ông Hiệp cùng đoàn người Quảng Nam vào Phan Rí định cư lập nghiệp. Ông nhận xét vùng đất Phan Rí có điều kiện tự nhiên rất phong phú, địa hình địa lý sông biển cận kề, ngư trường hải sản đa dạng, hợp với thời tiết mùa vụ nên ông mới quyết tâm bám trụ lập nghiệp vĩnh viễn nơi này.
Trong thời gian làm ăn bằng nghề đánh bắt hải sản, dù đất Phan Rí là nơi thuận về thời tiết, ít bão tố, thiên tai so với Quảng Nam, nhưng không tránh khỏi dông gió khi giao mùa, cộng với tập tục tâm linh tín ngưỡng duy tâm đã có từ Quảng Nam, ông Phan Hiệp bắt tay đi vận động bà con ngư dân lập nên vạn nghề cá đầu tiên trên vùng đất Phan Rí, lấy tên là Vạn Nam Bình vào năm Kỷ Mão 1819. Đến năm Tân Tỵ 1821, vua Minh Mạng cấp sắc chỉ cho Vạn Nam Bình.
Lần đầu tiên Phan Rí lúc đó được vua triều Nguyễn cấp sắc phong cho Vạn Nam Bình thờ thần Nam Hải. Cái tên Nam Bình có ý nghĩa là người từ Quảng Nam vào Bình Thuận lập nghiệp xây dựng vạn nghề cá thờ thần Nam Hải nên lấy tên hai quê hương ghép lại thành Nam Bình. Đến năm Tự Đức thứ 24 tức 1870, thời ông Nguyễn Quảng làm Vạn trưởng mới dời đổi địa điểm, xây dựng vạn tại khu phố Giang Hải 2 bằng vật liệu kiên cố ngói hóa và đổi tên thành Tả Tân cho đến nay. Tuổi thọ của Vạn Tả Tân đến nay đã hơn 200 năm, được các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại cấp 16 sắc phong và trải qua 19 vị Vạn trưởng luân phiên thay nhau phục vụ. Ông Phan Hiệp là người đầu tiên sáng lập ra.
Nơi lưu giữ hàng trăm bộ cốt cá ông
Ông Võ Mao – Trưởng Ban quản lý Vạn Tả Tân cho biết: “Hàng năm, tại vạn có 3 lệ cúng tế theo âm lịch là lệ đầu mùa 17/4, lệ đại đàng 17/7 (lệ chính cầu ngư) và 25/10 lệ hậu kỳ mãn mùa, nhằm hướng con người về với cội nguồn. Lễ hội Cầu ngư vừa qua diễn ra với các phần lễ như Cung nghinh lệnh Ông sanh Nam hải; Tế Tiền hiền, Tế Âm linh, Đại đàn, Tôn vương và Hoàn mãn… Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được tổ chức quy mô với các hoạt động văn hóa truyền thống như chèo bả trạo, hát tuồng cổ… Vạn Tả Tân là nơi lưu giữ hàng trăm bộ cốt Ông Nam Hải, trong đó có bộ cốt lớn nhất nặng hàng tấn, dài 14m. Năm 2008, Vạn Tả Tân được tỉnh Bình Thuận cấp Bằng lịch sử di tích di sản văn hóa cấp tỉnh”.
Do xây dựng lâu năm, Vạn Tả Tân đã xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1980 được trùng tu 1 lần, năm 2020, vạn được cơ quan chức năng tiếp tục rót kinh phí cho trùng tu lại và đến cuối năm 2022 cơ bản hoàn thành và hoạt động trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Mao, trong quá trình sửa chữa vạn, kinh phí còn thiếu hơn 40 triệu đồng để hoàn thiện phần gian nhà bên trong. Vì thế, ông đang kêu gọi xã hội hóa, bá tánh thập phương chung tay để công trình Vạn Tả Tân “đẹp bên ngoài và chắc bên trong” – xứng đáng là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian hàng năm cũng như lưu giữ những di sản có giá trị.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mà còn là một nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển. Đồng thời, lễ hội còn là nơi lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và là một lễ hội quan trọng cần được duy trì bảo tồn và phát huy.