BTO-Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành thủy sản Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa phối hợp Trung tâm Phát triển nghề cá vịnh Bắc Bộ tổ chức hội thảo “Xây dựng mô hình khuyến ngư trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hàm Thuận Nam” tại UBND xã Tân Thuận.
Đến dự có ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Trung tâm Phát triển nghề cá vịnh Bắc Bộ, đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA); lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Hội nghề cá tỉnh, các hiệp hội liên quan, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam cùng 50 hội viên Hội cộng đồng ngư dân 3 xã ven biển Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phạm Kim Thành đã báo cáo kết quả điều tra tham vấn 3 Hội cộng đồng ngư dân đang thực hiện mô hình đồng quản lý. Thuận lợi của 3 Hội cộng đồng này là được tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách pháp luật của Nhà nước thường xuyên, giúp các hội viên ý thức hơn về việc đánh bắt, khai thác có chọn lọc. Đồng thời, được hỗ trợ của Nhà nước từ các dự án, chương trình như: Hỗ trợ giống sò lông (dự án UNDP và Chi cục Thủy sản), hỗ trợ thả bù ở các vị trí quan trọng của vùng biển quản lý (quỹ Thiện Tâm), chương trình thắp sáng trên biển (Báo Pháp Luật), mô hình cội chà cải tiến của Trung tâm Khuyến nông… Tuy nhiên, chưa có mô hình nuôi trồng thủy sản hỗ trợ cho Hội cộng đồng, hướng dẫn tạo sinh kế lâu dài; chưa có các chương trình nhằm tái tạo nguồn lợi, khoanh nuôi cũng như công tác quản lý vùng khoanh nuôi.
Bên cạnh đó, đại điện Trung tâm Phát triển Nghề cá vịnh Bắc Bộ cũng đánh giá, phân tích hiện trạng các yếu tố tự nhiên, môi trường, nguồn lợi thủy sản trong vùng biển trao quyền đồng quản lý. Từ đó, có những đề xuất khoanh vùng khu vực tái tạo, khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến với mong muốn có thể thực hiện được mô hình nuôi trồng thủy sản với các đối tượng có giá trị kinh tế như sò lông, vẹm xanh, ốc hương, điệp quạt. Song song đó vừa bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tại khu vực vùng biển được giao quyền đồng quản lý bằng các biện pháp thả rạn nhân tạo kết hợp chà làm nơi sinh cư cho các loài hải sản, qua đó giúp sinh kế bền vững cho cộng đồng trong vùng.
Sau buổi hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ tham vấn đã khảo sát thực tế khu vực đang thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Tân Thành, nơi có khu vực mũi Hòn Lan, vùng rạn vẹm xanh sống rất nhiều. Đặc biệt vùng biển này có sò lông và sò huyết sinh sống, nhưng bị giã cào vào khai thác ảnh hưởng rất nhiều đến các nghề khác của người dân.