Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Thuận đang hướng tới khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương…
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng giúp việc Tiểu ban Hội nhập quốc tế về kinh tế của tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương luôn quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền. Qua đó tăng cường phổ biến cũng như nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan về vị trí, vai trò, chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Ngoài ra cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về những rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa nhằm phối hợp cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp địa phương.
Cùng với đó, sở chức năng còn chủ động triển khai kịp thời đến các đơn vị trên địa bàn tỉnh về nội dung kiến thức liên quan hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hoặc về lộ trình thực hiện cam kết đàm phán thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). Hay như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…
Theo ông Biện Tấn Tài – Phó giám đốc Sở Công Thương thì hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam đang góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… Thực tế cũng cho thấy các FTA giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra việc thực thi các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế ở trong nước, vừa cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong công tác này, sở chức năng địa phương đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức và triển khai đến hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn Bình Thuận tham dự các hội nghị liên quan Hiệp định EVFTA, UKVFTA, RCEP. Mặt khác cũng tổ chức làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu để nắm tình hình hoạt động và phối hợp hỗ trợ giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thông qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa lợi thế của Bình Thuận, nhất là với thanh long, cao su, hải sản chế biến…
Hướng đến phát triển nhanh, bền vững
Giai đoạn 2023 – 2030, Bình Thuận đặt ra yêu cầu triển khai các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế cần có tính toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh, bền vững… Vì vậy tới đây, địa phương tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhất là thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động thực hiện, hay như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Đặc biệt là về cơ hội, thách thức hoặc những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập… Ngoài ra còn phối hợp cơ quan bộ ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả những diễn biến bất lợi trong thương mại – đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giai đoạn tới đây, Bình Thuận cũng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid – 19 và phát triển bền vững; Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng… Trong đó có tính đến tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh được tham gia các hội nghị về hội nhập kinh tế quốc tế. Hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao nhận thức về biện pháp phòng vệ thương mại, chủ động ứng phó các rào cản thương mại tại thị trường xuất khẩu và tận dụng cơ hội khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất – kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp như thời gian trước dịch. Ngoài quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương cũng khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân mà nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng…