BTO-Là một trong những nội dung đánh giá mà Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kết luận trong chương trình của Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) tổ chức hôm nay (1/12). Sau phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; công tác thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023 và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024.
Trong năm 2023, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đạt kết quả tích cực. Nổi rõ, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022 (kế hoạch từ 7 – 7,2%); có 14/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước ước đạt 10.006 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) 8.606 tỷ đồng, đạt 100% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 45.410 tỷ đồng, tăng hơn 9,06% so với năm trước. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có thêm 30 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hút một số dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh… Đặc biệt, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” và 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến Bình Thuận, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ước toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98%; doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63%…
Bên cạnh những mặt đạt được, hội nghị đã dành nhiều thời gian nghe các ý kiến tham luận của các sở, ban, ngành, địa phương phân tích, bổ sung làm rõ những nội dung trong báo cáo. Đồng thời, đề xuất những giải pháp, xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2024. Trong đó, các đại biểu đã nhấn mạnh đến vấn đề lấn chiếm đất công ở nhiều địa phương còn phức tạp do quy hoạch “treo” kéo dài, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép còn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của địa phương. Ngoài ra, việc đền bù, bố trí tái định cư một số nơi còn chậm, dẫn đến tình trạng đơn thư, khiếu nại, khiếu kiện còn diễn ra. Vì thế, các đại biểu đề xuất cần phân định trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý địa bàn các dự án, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; sớm tháo gỡ việc xác định giá đất, sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cũng như xét tính pháp lý về đất đai rõ ràng, cụ thể hơn, để công tác thu ngân sách trong năm 2024 đạt chỉ tiêu mong muốn, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, các dự án du lịch ven biển ở La Gi đang gặp khó khăn, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc theo chủ trương mới, hạn chế những phát sinh phức tạp về sau. Trong năm, cũng chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh… Song song đó, 2 chỉ tiêu được các đại biểu thảo luận sâu là tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) và thu ngân sách. Vì dự báo tình hình kinh tế khó khăn, nên các chỉ tiêu trong năm 2024 – 2025 sợ không đạt được như dự toán, từ đó các đại biểu gợi ý các giải pháp căn cơ để phấn đấu trong năm 2024, thu ngân sách đạt ít nhất 10.000 tỷ đồng…
Sau 1 ngày làm việc trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, có những mục tiêu, yêu cầu mới, đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, cần phải có nhiều nỗ lực, cố gắng để đạt được. Trong đó, yêu cầu phải sớm phục hồi, phát triển mạnh hơn nữa để đạt được chỉ tiêu nhiệm kỳ. Phải tận dụng tối đa lợi thế mới khi cao tốc Bắc – Nam khánh thành được đưa vào sử dụng, những dư địa phát triển, nhất là về năng lượng, du lịch, tiềm năng đất đai sau khi các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện các mục tiêu, kỳ vọng sau khi đánh giá 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.
Bí thư Tỉnh ủy nhìn nhận, qua đánh giá, kết quả kinh tế – xã hội của năm 2023 cơ bản đã đạt như kỳ vọng, tăng trưởng đều trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải khắc phục và làm tốt hơn như: Kết quả triển khai 6 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh ủy chưa rõ nét, nhất là Nghị quyết về chuyển đổi số và Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân. Kết quả thực hiện chủ đề năm“Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” còn thấp, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn tỉnh. Nông nghiệp tăng trưởng chậm, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng; lĩnh vực thủy sản phát triển còn nhiều khó khăn; thu ngân sách tuy vượt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao nhưng có khả năng thấp hơn so với năm 2022 (nếu từ đây đến cuối năm không có cải thiện); huy động GRDP vào thu ngân sách còn thấp (khoảng 8%), thấp hơn nhiều mức của cả nước (khoảng 15,7%)…
Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế – xã hội, do đó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phấn đấu duy trì mục tiêu tăng trưởng, trong đó: GRDP tăng trên 7,5%, thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội dựa trên phát huy tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển và hiệu quả của đầu tư công (với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư). Phấn đấu giải ngân các dự án: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức, kho cảng LNG Sơn Mỹ, nhà máy điện khí; Cảng hàng không Phan Thiết, dự án Khu du lịch Quốc gia Mũi Né… phấn đấu quy mô kinh tế trên 110 nghìn tỷ đồng. Quá trình đó, phát triển đồng đều 3 trụ cột công nghiệp – du lịch – nông nghiệp; phát triển các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu Đại hội XIV đề ra là “Xây dựng tỉnh Bình Thuận mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”…
MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN