Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức “Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp”. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành nghề, đại diện các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đánh giá cao ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chia sẻ một số khó khăn liên quan đến việc tiếp cận vốn. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn khá khó khăn vì còn chịu thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù các chi nhánh ngân hàng đã có sự điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay so với đầu năm, tuy nhiên, hiện nay lãi suất cho vay vẫn còn cao. Mức phí trả nợ trước hạn tại một số ngân hàng vẫn ở mức cao. Những vấn đề này chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, phục hồi kinh tế. Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng được tiếp cận vốn tín dụng nhiều hơn với các chương trình, sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng.
Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Trịnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tập trung thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm…
Đặc biệt, tích cực, chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giải quyết các đề nghị vay vốn, hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp và người dân đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (40.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ (120.000 tỷ đồng). Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng…
M. VÂN