Bằng sự kết nối giữa hiện vật và hình ảnh trong tiến trình lịch sử các thời đại, những hoạt động trình diễn trực tiếp của các nghệ nhân, hoạt động triển lãm, trưng bày “Di sản Bình Thuận kết nối các vùng, miền” dưới chân tháp PôSahInư, phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) những ngày này đã thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là các em học sinh tới tham quan, tìm hiểu.
Say sưa ngắm nhìn các nghệ nhân ở Bắc Ninh đang hướng dẫn cho khách in tranh Đông Hồ. Em Thảo Nguyên (lớp 10 Trường THPT Phan Bội Châu) và gia đình ở phường Phú Tài, TP. Phan Thiết lên tháp tham quan, chia sẻ: Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Chưa được ra miền Bắc tham quan làng nghề, nhưng qua lời giới thiệu của các nghệ nhân em mới hiểu để hoàn thiện một bức tranh Đông Hồ cần rất nhiều thời gian như nhất định phải có một vài người thợ thủ công chuyên làm mực vẽ và giấy. Các màu đều lấy từ chất liệu thiên nhiên, đó là màu đen từ việc đốt lá tre lấy than; màu xanh được làm từ vỏ với lá tràm; màu vàng lại lấy từ hoa hòe; màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ của cây vang; màu sơn lấy từ sỏi núi; màu trắng là điệp… Những trải nghiệm thực tế này cho em hiểu thêm mỗi một vùng đất đều mang một màu sắc dân gian rất riêng, thú vị để khám phá, tìm hiểu.
Trong không gian triển lãm, chúng tôi còn bắt gặp rất đông các cô cậu học trò Trường THCS Nguyễn Thông (TP. Phan Thiết), do cô Nguyễn Thị Thu Cảnh – giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường dẫn đoàn. Cô Thu Cảnh cho biết: Nếu như 45 phút trên lớp chỉ đủ để các em tiếp cận với hình ảnh thông qua trình chiếu và tài liệu trong sách giáo khoa, thì với hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, tham quan, trải nghiệm thực tế các em được tiếp xúc với những hiện vật thật, kiến thức nhờ vậy khắc sâu hơn và đưa môn lịch sử trở nên gần gũi, sinh động hơn với học sinh.
Không chỉ phụ huynh, học sinh trong tỉnh, mà nhiều gia đình ở các tỉnh cũng chọn những địa danh lịch sử, đến PôSahInư để tìm hiểu trong chuyến nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay. Anh Nguyễn Mạnh Hà (Phú Yên) cho biết: “Đoàn chúng tôi có 6 bạn đang đi học và thường chọn du lịch kết hợp tham quan những điểm di tích lịch sử, danh thắng gắn liền với văn hóa truyền thống. Mới bước tới chân tháp đã nghe những làn điệu dân ca trữ tình, đằm thắm của các liền anh, liền chị Quan họ Bắc Ninh “níu chân”. Rồi tận mắt thấy các hiện vật trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Chăm. Hình ảnh các chị phụ nữ Chăm đang làm gốm, dệt vải… một không gian văn hóa thật đặc sắc, ý nghĩa, kết nối giữa các dân tộc”.
Đặc biệt trong đợt triển lãm lần này, các em thấy rõ nét hơn về nền văn hóa người Chăm và văn hóa người Kinh từ thế kỷ thứ X – XIX rất phong phú, đa dạng. Trong đó có sự giao lưu giữa văn hóa Chăm Bình Thuận và người Chăm sinh sống ở các vùng miền hay nét đan xen giữa văn hóa Sông Đồng Nai với văn hóa Đa Kai Bình Thuận thông qua các công cụ lao động, trang sức của phụ nữ dân tộc…
Các đợt triển lãm đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử trong nhà trường, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Để thấy rằng văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước. Là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.