BTO-Dự án SACCR – Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giúp người dân ở Hàm Thuận Nam, nhất là hộ dân nghèo nhận diện rõ hơn những thách thức ở vùng thiếu nước và lựa chọn cách phát triển sản xuất phù hợp.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
Nhận diện những hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, sạt lở và sự cạn kiệt tài nguyên nước. Đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến người nông dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ phụ nữ trụ cột và hộ dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi giá trị cây trồng như thanh long, điều… Đây là nội dung quan trọng được nêu tại diễn đàn với chủ đề “Thông tin khí hậu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” diễn ra tại TP. Phan Thiết vừa qua.
Diễn đàn này do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận chủ trì, trong khuôn khổ dự án SACCR – Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam. Trong đó, huyện Hàm Thuận Nam cùng với Đức Linh là 2 địa phương của tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi từ dự án, thực hiện từ năm 2021 đến tháng 6/2026. Dự án gồm có 2 hợp phần, trong đó hợp phần 1 là tăng cường an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của nông hộ quy mô nhỏ dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến động về lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu. Hợp phần 2 là tăng cường khả năng chống chịu cho sinh kế của nông hộ nhỏ thông qua nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu, tài chính và thị trường.
Nêu ý kiến tại diễn đàn này, chị Nguyễn Thị Giang – Hội phụ nữ xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Ở địa phương nơi chị sinh sống là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều hộ nghèo, chủ yếu trồng cây bắp, mì và một số cây khác như điều. Đây là vùng đất khô cằn, không có nước sản xuất mùa nắng, nhiều hộ phụ thuộc nước trời, bấp bênh.
Do biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nắng thất thường, nên sản xuất nông nghiệp hay thất thu. Hiện một số hộ chuyển sang trồng cây mì, điều nhằm chia nhỏ diện tích ra để đầu tư, hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Bản thân hộ chị Giang trước đây trồng thanh long nhưng đã bỏ gần 5 năm vì chi phí đầu tư lớn, thiếu nước tưới vào mùa khô và sâu bệnh. Vì vậy, khi nhận được các dự án hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức, bà con rất vui mừng.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai
Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, tại diễn đàn này, nông dân vùng hưởng lợi đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Mục tiêu của diễn đàn hướng đến việc các bên liên quan trong chuỗi giá trị hợp tác thảo luận về những thách thức của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thúc đẩy các giải pháp sáng tạo hướng tới các hệ thống nông nghiệp có khả năng chống chịu BĐKH. Qua đó, đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn hán và quản lý nguồn nước tại tỉnh. Mặt khác, đưa ra những cam kết, hoạt động có tính chiến lược, giúp tháo gỡ những rào cản mà các chủ thể chuỗi giá trị đang gặp phải và qua đó hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH trên địa bàn tỉnh.
Dự án trên giúp người dân ở Hàm Thuận Nam, nhất là hộ dân nghèo nhận diện rõ hơn những thách thức ở vùng thiếu nước và lựa chọn cách phát triển sản xuất phù hợp. Thực tế, từ chịu thiệt hại do thiên tai, năm qua người dân ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh được địa phương phân bổ giống bắp hỗ trợ với số lượng 18 tấn bắp từ nguồn hỗ trợ Trung ương để thực hiện sản xuất trong vụ hè thu 2024. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh triển khai chương trình đầu tư ứng trước trồng bắp lai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả các xã đăng ký thực hiện được 854,2 ha/425 hộ tham gia…
Trước đó, từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Mỹ Thạnh với số lượng là 22 con bò giống cho 22 hộ nghèo với kinh phí quyết toán 356,4 triệu đồng đã mang lại hiệu quả trên thực tế. Sang năm 2023, 2024, phòng tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất khác ở những vùng nghèo như Hàm Cần, Mỹ Thạnh sau khi tính toán sự phù hợp nên cũng đã ít nhiều mang lại kết quả rõ.
Thêm dự án SACCR trên đã mở ra nhiều lối đi khác tiến bộ hơn. Tại diễn đàn, ông Trần Văn Lanh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam nêu ý kiến là cần quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, như đầu tư các vùng trồng thanh long, các vùng khác trồng cây khác theo hướng an toàn. Đây là những bước quan trọng trong vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp, cần được các bên phối hợp nhau, những người dân, nhất là người nghèo, vùng được hưởng hiểu được vấn đề, nhận thức.
Theo bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự phối hợp đồng bộ của mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội…việc triển khai thực hiện các dự án có nhiều thuận lợi. Cùng với đó, từ sự đồng thuận của người dân nên các dự án được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho đối tượng thụ hưởng góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện kịp thời…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ho-tro-san-xuat-cho-nguoi-dan-ham-thuan-nam-truoc-bien-doi-khi-hau-124451.html