Tập trung phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần đưa kinh tế Đức Linh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương…
Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 27/36 cụm công nghiệp được thành lập theo quy hoạch, trong đó 14/36 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp. Riêng tại huyện Đức Linh đã xúc tiến thành lập 7 cụm công nghiệp, bao gồm 3 cụm do Nhà nước quản lý và 4 cụm mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Với những cụm công nghiệp do nhà đầu tư hạ tầng quản lý, hầu hết đều được tích cực triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục, tạo điều kiện thu hút dự án thứ cấp vào lấp đầy.
Như Cụm công nghiệp Nam Hà, sau khi hoàn thiện hạ tầng đã có nhà đầu tư DONA ORIENT HOLDINGS LIMITED hợp đồng thuê toàn bộ diện tích đất công nghiệp và triển khai xây dựng nhà máy. Trong khi Cụm công nghiệp Nam Hà 2 hiện có Nhà máy bê tông Nam Hà của Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động từ năm 2021. Còn tại Cụm công nghiệp Đông Hà bước đầu thu hút 8 dự án thứ cấp đang triển khai tiến độ thực hiện, có thể kể đến Nhà máy sản xuất máy móc thiết bị của Công ty TNHH Intermac, nhà máy đóng gói thực phẩm của Công ty TNHH Eul sung VINA, dự án sản xuất linh kiện xe hơi của Công ty TNHH AISL VINA…
Trở lại Đức Linh trong những ngày vừa qua, chúng tôi nghe câu chuyện sôi nổi về tuyển dụng lao động vào làm việc tại Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (thuộc Cụm công nghiệp Nam Hà – xã Đông Hà, huyện Đức Linh). Bởi dự án này đã triển khai xây dựng hoàn thành nhà máy chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, theo đó trong giai đoạn 1 với diện tích hơn 15 ha có nhu cầu tuyển dụng khoảng 7.000 lao động… Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh Sản – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam cho biết: Dự kiến trong tháng tới dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển về lắp ráp tại nhà máy, đến tháng 10/2023 bắt đầu tuyển dụng lao động và cuối năm chính thức đi vào hoạt động. Dù vậy bước đầu, công ty tiến hành tuyển dụng và đào tạo khoảng 1.000 lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất giày xuất khẩu, trong đó có ưu tiên cho người địa phương. Định hướng những năm tới, doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng lao động tăng dần lên 7.000 người như kế hoạch giai đoạn 1 đề ra, đồng thời tính đến đầu tư mở rộng giai đoạn 2 với thêm nhiều nhà máy có thể giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động tại địa bàn Đức Linh, vùng phụ cận… Được biết khi làm việc tại đây, ngoài mức lương trung bình từ 7 triệu đồng/tháng trở lên thì người lao động cũng được đảm bảo tất cả các chế độ theo quy định để yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh một số cụm công nghiệp do nhà đầu tư hạ tầng quản lý, thời gian qua tại các cụm do Nhà nước quản lý (gồm Hầm Sỏi – Võ Xu, Mé Pu, Sùng Nhơn) cũng ghi nhận hàng chục cơ sở, dự án đã đầu tư. Nếu quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng thì các cụm công nghiệp này sẽ sớm hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, tăng sức hút dự án thứ cấp để sử dụng hiệu quả quỹ đất…
Hướng đến phát huy tiềm năng và lợi thế về công nghiệp, UBND huyện cũng đã rà soát, xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Đức Linh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Theo đó đến năm 2030, địa phương đề xuất quy hoạch và thành lập 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 497,16 ha, còn định hướng đến năm 2050 phấn đấu đạt 12 cụm công nghiệp với diện tích 706,5 ha. Cùng với việc quan tâm đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn chỉnh hạ tầng cũng như thuận lợi về giao thông đối ngoại, Đức Linh đang cho thấy sức hút dự án thứ cấp quy mô vào các cụm công nghiệp. Qua đó không những góp phần đưa kinh tế huyện nhà chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ mà còn tạo ra nhiều việc làm trong môi trường chuyên nghiệp với thu nhập ổn định cho lao động nơi đây.