Những năm qua, sự hình thành hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã tác động tích cực và trực tiếp đến phát triển năng lực đánh bắt hải sản, nhất là tàu cá công suất lớn trong tỉnh, góp phần hiện đại hóa ngành thủy sản. Tuy nhiên, hạ tầng cảng cá, các cửa biển trong tỉnh đã xuống cấp, nhiều nơi luồng lạch bị bồi lắng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nghề cá của tỉnh.
Phát huy hiệu quả một số công trình cảng cá
Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, do đó những năm qua Trung ương và tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây mới, nâng cấp, đưa vào hoạt động một số công trình cảng cá, khu tránh trú bão quan trọng tại các địa bàn trọng điểm nghề cá như Cảng cá Phan Thiết, Khu tránh bão – Cảng cá Phan Rí Cửa, Khu tránh bão – Cảng cá La Gi (thị xã La Gi), Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng – Cảng cá Phú Hải (TP. Phan Thiết), Khu tránh bão – Bến cá Liên Hương (huyện Tuy Phong) và Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Phú Quý (huyện Phú Quý). Những cảng cá, khu tránh trú bão này không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, phòng tránh thiên tai cho tàu cá và ngư dân trong tỉnh mà còn thu hút hàng ngàn lượt tàu cá ngoài tỉnh cập bến tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận vật tư, nguyên nhiên liệu phục vụ đánh bắt hải sản, đồng thời góp phần kiểm soát chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Theo Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bình Thuận sẽ có 5 cảng cá (gồm: 1 cảng cá loại I và 4 cảng cá loại II) và 12 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (2 khu cấp vùng và 10 khu cấp tỉnh). Tuy nhiên, đến nay tỉnh chỉ mới hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng 4 cảng cá, trong đó 1 cảng cá loại I (Cảng Phan Thiết) và 3 cảng cá loại II (Cảng Phú Hải, La Gi, Phan Rí Cửa) với tổng năng lực bốc dỡ hải sản qua cảng theo thiết kế là 130.000 tấn, đáp ứng khoảng 56% sản lượng khai thác của tàu cá trong và ngoài tỉnh hàng năm (khoảng 230 – 240 ngàn tấn/năm). Bên cạnh đó, đã đầu tư, hoàn thành 5 khu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó, 2 khu neo đậu cấp vùng (Cửa Phú Hải, đảo Phú Quý) và 3 khu neo đậu cấp tỉnh (Phan Rí Cửa; Cửa La Gi, Cửa Liên Hương); quy mô thiết kế cho 4.300 tàu cá neo đậu, đáp ứng khoảng 56% số lượng tàu cá của tỉnh (trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý mới hoàn thành giai đoạn 1, đang thi công giai đoạn 2). Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã huy động các nguồn vốn (Trung ương hỗ trợ, vốn ODA và ngân sách tỉnh) đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả một số công trình cảng cá, khu tránh trú bão quan trọng tại các vùng trọng điểm nghề cá của tỉnh.
Định hướng đầu tư
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo đề xuất quy hoạch cảng cá, khu tránh bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, tỉnh đề xuất quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gồm 8 cảng cá (2 cảng loại I, 6 cảng loại II), 7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (2 khu cấp vùng, 5 khu cấp tỉnh) và 6 cảng cá loại III kết hợp khu neo đậu tàu thuyền địa phương. Đồng thời xem xét, đánh giá điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng như tác động liên vùng của các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh đối với hoạt động sản xuất nghề cá trong khu vực và cả nước nhằm đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài, bền vững.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý (là khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, quy mô 1.000 tàu cá cho cỡ tàu đến 600 CV, kết hợp cảng cá Triều Dương, đã thi công hoàn thành giai đoạn 1, gồm đê chắn sóng và hệ thống phao neo tàu, hình thành âu tàu tránh bão với diện tích 55,9 ha). Ngoài ra, cần hoàn thành dự án mở rộng và nâng cấp Khu tránh bão – cảng cá La Gi. Tiếp tục đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Chí Công, Mũi Né, Ba Đăng. Bên cạnh đó, triển khai Dự án Mở rộng Trạm xử lý nước thải cảng cá Phan Thiết đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Triển khai thực hiện các dự án phục vụ phòng chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 như nâng cấp hạ tầng cảng cá Phan Rí Cửa, đầu tư tàu, xuồng Kiểm ngư phục vụ tuần tra, kiểm soát, chống khai thác IUU, trang bị ca nô cho Ban quản lý các cảng cá, khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh và xây dựng mới Trạm Kiểm ngư khu vực Tuy Phong và Phan Thiết (kết hợp Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá).
Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, hầu hết các cảng cá trong tỉnh được đầu tư xây dựng khá lâu, nay đã xuống cấp, tình trạng bồi lấp luồng lạch cửa sông, cửa biển, khu neo đậu, cảng cá cũng còn tồn tại, diễn ra nhiều năm. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương sửa chữa, khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp hạ tầng, gây ô nhiễm môi trường tại các cảng cá để phục vụ sản xuất gắn với phòng, chống khai thác IUU. Ngoài ra, phải có kế hoạch tổ chức nạo vét các cửa lạch, luồng vào cảng cá, khu tránh bão, vũng quay tàu định kỳ, hạn chế bồi lắng nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá ra, vào cảng, không phụ thuộc thủy triều. Đầu tư, nâng cấp để hoàn thiện hạ tầng cảng cá Phú Hải, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, thẩm định đưa cảng cá Phú Hải có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đồng thời, lãnh đạo BQL các cảng cá tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch quốc gia về hệ thống cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, ưu tiên bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào cảng, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.