BTO-Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) diễn ra vào chiều 27/12.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, cùng sự tham dự của các bộ ngành liên quan và kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Tại đầu cầu tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng sự tham dự của các sở ngành, đơn vị liên quan…
Năm 2024 ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có yếu tố thiên tai. Nhưng ngành đã thống nhất từ nhận thức tới hành động, chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế…Từ đó, ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá cao, tiêu biểu như lúa gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4% và năng suất 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha…Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn…
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng đã thảo luận, phân tích về kết quả năm 2024. Đồng thời, đóng góp ý kiến và đề xuất về giải pháp phát huy lợi thế trong năm 2025.
Riêng tại Bình Thuận, năm 2024 ngành nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp tại một số khu vực. Tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh gây hại; hoạt động sản xuất tôm giống của tỉnh gặp khó khăn…
Nhưng toàn ngành thực hiện đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,07%/KH 3% – 3,2%. Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày ước đạt 104,4% kế hoạch. Riêng cây lúa, diện tích gieo trồng ước đạt 126.300 ha/ 123.280 ha… Tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 873.080 tấn/ 872.000 tấn…
Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, tỉnh còn nổi lên một số khó khăn, hạn chế như liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông sản có thế mạnh chưa thật sự ổn định. Diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng và việc duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của một số xã còn hạn chế…
Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng nhìn nhận, hiện Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội.
Trong năm 2025, mục tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp và PTNT là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4 -3,5 %; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 – 65 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2024. Đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong cơn bão số 3 là thành tích nổi bật của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngành đã nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đạt kỷ lục mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc và bứt phá. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt quy hoạch, xây dựng chiến lược. Song song, tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ngành nông nghiệp nhanh và bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Nâng cao hiệu quả truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khi sáp nhập và các đơn vị tinh gọn. Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại và mở cửa thị trường, đặc biệt là các thị trường còn nhiềm tiềm năng… Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phải gỡ được “thẻ vàng” IUU.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/go-nut-that-ve-the-che-chinh-sach-de-phat-trien-nganh-nong-nghiep-nhanh-va-ben-vung-126885.html