Bằng nhiều chương trình, cách làm cụ thể, công tác kết nghĩa giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh với xã vùng cao Phan Sơn (Bắc Bình) giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phan Sơn là xã vùng cao của huyện Bắc Bình với 96% là DTTS chủ yếu là dân tộc K’ho và Raglai. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trước đây do trình độ dân trí còn thấp, tư duy đầu tư phát triển kinh tế sản xuất chưa thoát khỏi lối sống tự cung tự cấp, nên bà con chưa mạnh dạn trong đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Xã Phan Sơn.
Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng với UBND xã Phan Sơn xây dựng chương trình kết nghĩa. Hoạt động kết nghĩa duy trì đến nay đã góp phần hỗ trợ bà con xã Phan Sơn từng thay đổi tập quán sản xuất lâu đời, cũng như tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, con nuôi, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Phan Sơn có 958,34 ha đất nông nghiệp trong tổng diện tích tự nhiên 19.221,94 ha toàn xã. Để giúp bà con đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng với ngành nông nghiệp huyện, xã đã chuyển giao 4 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả tại xã vùng cao này. Đó là mô hình thâm canh cây bắp lai; chuyển giao kỹ thuật trồng và thâm canh cây cỏ; trồng và thâm canh cây cỏ theo liên kết chuỗi và mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI.
Canh tác lúa cải tiến SRI giống ST24 cho năng suất cao ở xã Phan Sơn.
Thông qua các mô hình, đã giúp người dân xã Phan Sơn có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất. Bà con đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nổi bật là đưa vào trồng các giống mới chịu hạn, áp dụng phương thức sản xuất lúa cải tiến SRI vào sản xuất để thâm canh đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Song song đó, nhiều lớp tập huấn được tổ chức hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cây bắp lai, cây cỏ, cây mãng cầu ta, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hướng dẫn bà con cách nhận biết và phòng trừ một số đối tượng gây hại trên cây trồng lúa, bắp, đậu, điều, bưởi.
Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, thâm canh cây cỏ nuôi bò vỗ béo ở Phan Sơn
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhờ tích cực trong công tác tuyên truyền hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, xã vùng cao Phan Sơn có sản phẩm rượu cần của hộ Lại Thị Wơn ở thôn Tà Moon đạt được chứng nhận 3 sao OCOP. Hiện nay, xã Phan Sơn đã đưa vào kế hoạch triển khai chương trình OCOP các năm tiếp theo đối với 3 sản phẩm lợi thế, đặc sản của xã Phan Sơn là sản phẩm đan lát từ cây nứa, heo đen và rượu cần…
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ cùng với UBND xã Phan Sơn tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa; rà soát nội dung hoạt động, cách thức thực hiện để có sự thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất, tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đồng thời, phối hợp cấp ủy, chính quyền xã chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bà con liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những mô hình mới phù hợp với điều kiện của xã để giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức, phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống.