Phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) luôn là việc làm khó, thậm chí rất khó. Tuy nhiên, xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, trước sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế tư nhân, thì việc làm trên lại càng trở nên cấp thiết. Để có những “hạt giống đỏ” trong khối doanh nghiệp tư nhân, nhiều Nghị quyết, chủ trương, cách làm sáng tạo đã được triển khai.
Những khó khăn, nút thắt trong câu chuyện phát triển tổ chức Đảng, đảng viên đang từng bước được tháo gỡ, để cùng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển bền vững.
Bài 2: Nhận diện khó khăn, gỡ từng “nút thắt”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhìn nhận thực tế, tỷ lệ tổ chức Đảng, đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn thấp. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” trong công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy nhiên, Bình Thuận quyết tâm bám sát, tiếp cận và mở rộng phạm vi để công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng bền chặt, rộng khắp.
Còn nhiều bất cập
Lý giải nguyên nhân số lượng còn hạn chế, nhiều ý kiến ở các địa phương cho rằng, có rất nhiều tác động. Trong đó yếu tố khách quan là phần lớn doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp, thậm chí giải thể, áp lực lo công ăn việc làm cho người lao động khiến chủ doanh nghiệp sao nhãng việc phát triển Đảng. Mặt khác, công tác xây dựng Đảng trong các loại hình DN này là việc khó. Theo bà Phạm Thị Tố Loan – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, một trong những nguyên nhân là một số cấp ủy nhận thức chưa sâu kỹ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên mới nên thiếu quan tâm công tác kết nạp Đảng trong công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Mặt khác, có không ít doanh nghiệp chưa thành lập được các tổ chức đoàn thể; hoặc những doanh nghiệp đã có tổ chức đoàn thể nhưng các đoàn thể trong các doanh nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có việc tạo nguồn phát triển đảng viên mới trong lực lượng công nhân trực tiếp sản xuất. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nên không muốn thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể.
Và “ ngại” cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp chia sẻ khi đề cập đến việc phát triển Đảng. Cái “ngại” chính của lao động là mất thời gian, “ngại” về thủ tục, về sự bó buộc bởi các quy định.’Trong khi đó, công nhân trong DN phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động… nên việc học tập bồi dưỡng kiến thức về Đảng khó khăn, dẫn đến nhận thức, động cơ và mục đích phấn đấu vào Đảng còn hạn chế.
Tại các cuộc cuộc họp về nội dung này, đa phần các đại biểu cho rằng, vai trò, trách nhiệm, việc phối hợp hoạt động giữa các ban chỉ đạo cấp huyện với các cơ quan, đoàn thể có liên quan trong tỉnh chưa được phát huy đúng mức. Công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thực hiện còn lúng túng; việc tiếp cận với doanh nghiệp để vận động, thuyết phục thành lập và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiệu quả chưa cao; công tác rà soát, nắm bắt tình hình các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đoàn viên, hội viên, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức…
Gỡ từng nút thắt
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Chẳng hạn như năm 1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Năm 2019, Ban Bí thư có Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, với 10 nội dung trọng tâm, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung thực hiện tốt… Và mới đây, tại Nghị quyết TW 5 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Cần đổi mới, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức Đảng trong doạnh nghiệp tư nhân, bảo đảm chất lượng, phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng trong việc xây dựng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp nhất là loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để vươn lên, những năm qua, Tỉnh ủy Bình Thuận luôn xác định công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải được quan tâm thường xuyên. Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, Bình Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, chỉ thị, kết luận chuyên đề về vấn đề này. Đồng chí Nguyễn Thanh Nam – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của tỉnh cho rằng, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, vận dụng thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến ở Đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù. Thường xuyên phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, năng suất – chất lượng- hiệu quả trong doanh nghiệp. Qua đó phát hiện những nhân tố tích cực giới thiệu cho tổ chức Đảng.
“Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp công nhân, người lao động ưu tú trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vào Đảng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là chủ doanh nghiệp tư nhân để xem xét, kết nạp vào Đảng, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các chủ doanh nghiệp để nắm tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoạt động, cải thiện đầu tư có hiệu quả…”, đồng chí Nguyễn Thanh Nam – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu các cấp ủy địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, thống kê, nắm chắc danh sách, số lượng doanh nghiệp (trong đó, số doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn hoặc người lao động đang làm việc trở lên); số lượng lao động đang làm việc trong doanh nghiệp; số lao động hiện là đoàn viên công đoàn, nữ, đoàn viên thanh niên, hội viên hội LHTN Việt Nam, hội viên Hội Cựu chiến binh. Đồng thời tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, những tâm tư, nguyện vọng đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng lao động đang làm việc tại các DNNKVNN để vận động, tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các DNNKVNN có đủ điều kiện. Song song đó, làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là trên không gian mạng để người lao động trong các doanh nghiệp nắm, hiểu rõ quy định pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động theo Bộ luật Lao động, về trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động để không tạo ra điểm nóng, xảy ra xung đột giữa doanh nghiệp với người lao động và đình công, lãng công…
Mặt khác, các địa phương, đoàn thể cần tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các đảng bộ, chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ phù hợp điều kiện cụ thể từng doanh nghiệp. Phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp; Duy trì gặp gỡ, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với chủ doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết.“Phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hòa cùng sự phát triển của đất nước; phải xác định xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phát triển đảng trong công nhân… là mục tiêu cần đặc biệt chú trọng”
Bài 1: Những tín hiệu tích cực