Tỉnh Bình Thuận theo địa lý hành chính hiện nay phía tây bắc, tây và tây nam giáp với các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng trong lịch sử vùng đất giáp ranh giữa Trung bộ, Đông Nam bộ và Nam kỳ đã trải qua nhiều biến động, dịch chuyển bởi quá trình khẩn hoang lập ấp và xác lập chủ quyền quản lý lãnh thổ theo các thời kỳ.
Theo dấu địa danh
Dưới thời Minh Mạng thứ 13 (1832), đổi phủ Bình Thuận thành tỉnh Bình Thuận. Trong đó có huyện Tuy Định nhưng đến thời Tự Đức thứ 7 (1854) lại đổi thành huyện Tuy Lý (vẫn thuộc phủ Hàm Thuận). Theo đó, đây là vùng đất huyện Tuy Lý rộng lớn nằm phía tây nam Bình Thuận ngày nay, lấn sâu vào đất tỉnh Biên Hòa thời đó, có đường biên giáp với các tỉnh Đồng Nai Thượng, Biên Hòa, Bà Rịa. Đặc biệt huyện Tánh Linh được thành lập vào năm Thành Thái thứ 13 (1901) trích từ hai tổng Cam Thang, Ngân Chử của huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận để thuộc vào tỉnh Đồng Nai Thượng, thành lập từ năm 1899 khu vực thượng lưu sông Đồng Nai (giáp biên giới Nam kỳ). Phần đất huyện Tuy Lý còn lại là huyện Hàm Tân. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng thuộc Khu 6 (trong số 14 khu toàn quốc). Rồi đến năm 1948, hợp nhất Khu thành Liên khu – Khu 5 và Khu 6 thành Liên khu Nam Trung bộ. Sau năm 1956, dưới chính quyền VNCH thành lập tỉnh Bình Tuy gồm các phần đất từ tỉnh Đồng Nai Thượng, ra đời ba quận Tánh Linh, Hoài Đức, Hàm Tân. Cùng thời gian này, sáp nhập tỉnh Lâm Viên/Đà Lạt và một phần Đồng Nai Thượng lập tỉnh Tuyên Đức. Đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều địa danh nằm trên bản đồ của Pháp đầu thế kỷ 20 nhưng nay không còn hoặc đã biến đổi do cách đọc địa phương hoặc đặt tên theo đơn vị hành chính mới của chính quyền đương thời. Nhưng căn cứ nhiều địa danh còn lại hiện thuộc các huyện Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận) có thể xác định được đó là những thôn, tổng trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa hoặc tỉnh Đồng Nai Thượng. Với đơn vị hành chính hạt Biên Hòa/Đồng Nai, tổ chức hành chính 6 tỉnh Nam kỳ (1874) đã có tên các tổng, thôn Định Quán/Định Quát, Túc Trưng (trước đó thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng), Cao Cang/Cao Cương thuộc tổng Bình Tuy và các thôn Gia An, Trà Tân, Dõ Đắt/Võ Đắt thuộc tổng Phước Thành (trên bản đồ xưa Bình Thuận), phần phía tây đầu thế kỷ 20 thể hiện vùng lưu vực sông Đồng Nai… có ghi tổng Bình Tuy. Sách “Nam Kỳ địa hạt tổng thôn (1892)”, tại chương Hạt Biên Hòa có ghi tổng Bình Tuy và tổng Phước Thành, trong đó tên các thôn Cao Cang/ Cao Cương, Định Quán, Túc Trưng, Gia An, Trà Tân, Dõ Đắt/Võ Đắt, Dõ Mang (là Võ Mang)… là hai tổng liền kề nhau, mà nay có thôn ở vùng giáp ranh hoặc thuộc phần đất Bình Thuận(1).
Trong bài biểu “Nghỉ thỉnh thượng du đồn khẩn sự nghi sớ” của thần Nguyễn Thông, thị giảng học sĩ, sung chức doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận (Tự Đức thứ 30 -1877) đặt chân đến vùng đất tây nam của Bình Thuận có nhắc đến một số địa danh phù hợp với những địa danh “lưu lạc” trên đất Biên Hòa, Đồng Nai Thượng. “Thần Nguyễn Thông từ phía tây sông La Ngư (La Ngà) xuôi xuống bờ sông phía bắc qua Bác Dã (Bắc Ruộng), bờ phía nam qua cửa Lạc Dã (Biển Lạc). Mé dưới là sông La Ngà. Còn mé thượng lưu thì qua Chu Lư, Ba Kế, Côn Hiên, Đại Đồng đến sông Thang, tiếp giáp với xã Cao Cương, tổng Bình Tuy thuộc hạt bên kia”(2). Trong đó còn nói đến những địa danh Bác Dã tức Bắc Ruộng, Lạc Dã tức Biển Lạc… và thôn Dã An (Gia An) của người thượng và sách Võ Xu bên bờ sông La Ngư (La Ngà), là những xã thuộc Tánh Linh, Đức Linh ngày nay.
Chiếc nôi một thời lịch sử
Thời chúa Nguyễn đã dồn lực cho công cuộc khẩn hoang, khẳng định địa lý vùng cương thổ Đông Nam bộ. Không những lấn sâu vào những vùng thâm sơn cùng cốc. Hướng từ sông Đồng Nai ngược lên sông La Ngà, lập làng, buôn, sách và hòa nhập với dân bản địa “sơn man” người Châu Mạ. Một bộ phận không nhỏ đã theo ngã Bà Ca ngược theo quan lộ lên làng Cù Mi Hạ/Bình Châu (thuộc tổng Nhơn Xương, tỉnh Bà Rịa) tham gia lực lượng lãnh binh Trương Định hưởng ứng công cuộc kháng chiến chống Pháp, lập căn cứ Giao Loan. Tên gọi địa danh Gia Loan đề cập khá kỹ trong tập Lịch sử Việt Nam “Chống Xâm lăng – lịch sử Việt Nam” của GS. Trần Văn Giàu: “Trương Định chết rồi. Quang Quyền, tay phải của Trương Định, tuy có tài tổ chức, nhưng không đủ uy tín lãnh đạo; nhiều hào trưởng tự xưng hùng xưng bá, mâu thuẫn nhau, tranh giành địa bàn và ảnh hưởng với nhau. Quang Quyền không kềm chế nổi, nên Quyền dời căn cứ đến Giao Loan ở cùng Phan Chỉnh (Phan Trung); nhiều người dân yêu nước ở Định Tường, Biên Hòa, Gia Định tụ họp dưới cờ của Phan Chỉnh tại vùng căn cứ Giao Loan là vùng núi rừng hẻo lánh nằm giữa Bà Rịa và Bình Thuận (nhân vật Quang Quyền với các sách khác ghi là Trương Quyền).
Cũng có nhiều sử liệu nhắc đến căn cứ Giao Loan – một vùng đất rộng, địa hình núi rừng thâm u, bí mật và đặc biệt là một địa bàn chiến lược giữa cực Nam Trung kỳ với Nam kỳ, trực tiếp với sự quản lý lãnh thổ và chính sách cai trị của nhà cầm quyền Pháp và triều Nguyễn. Giao Loan được hình thành và trở thành nơi xuất phát các cuộc khuấy rối địch ở vùng Bà Rịa, Biên Hòa. Căn cứ Giao Loan thiết lập hệ thống phòng thủ từ xa. Giặc Pháp nhiều lần “chiếm đồn Giao Loan rồi tiến ra đồn Gia Lao (có lẽ là Gia Lào – núi Chứa Chan, tg) và Gia Phú ở gần giáp giới tỉnh Bình Thuận. Trong sách này có chép lại nhận xét của Nguyễn Thông: “Trương Định là người có cơ trí, biết linh động, hiệu lệnh nghiêm, tướng sĩ mến phục”. Nhà sử học, Gs.Trần Văn Giàu ghi: “Cần phải nói thêm rằng Trương Định là người nhờ dân mà giữ vẹn nghĩa trung với nước, kiên trì cùng dân kháng chiến, chống lệnh bãi binh của triều đình, người chết mà gương luôn luôn sáng”.
Trong lịch sử, sau hòa ước Nhâm Tuất 1862 – Pháp tính đến chiếm các tỉnh miền Đông Nam bộ, sẽ trở thành nhượng địa của Pháp (1861) nhiều sĩ dân Nam kỳ chạy ra Bình Thuận khi cuộc kháng chiến của Trương Định bị đàn áp. Phan Trung cùng Trương Quyền (con của Trương Định) rút về lập căn cứ Giao Loan vùng giáp ranh giữa Bình Thuận (Trung kỳ) với Biên Hòa/Đồng Nai (Nam kỳ). Do áp lực của Pháp đối với triều đình Huế, năm 1890 phải “sáp nhập lãnh thổ người Mọi ở Tánh Linh vào Biên Hòa” (trích Địa chí Đồng Nai), cho thấy ở địa bàn huyện Tánh Linh tiềm ẩn một lực lượng “hậu cần” trong mưu lược Phan Trung, Trương Quyền, là nguy cơ cho Pháp. Mặc dù triều đình Huế với Pháp có một ký kết “hòa bình và liên minh”, Pháp thừa nhận chủ quyền vua nước Nam với địa giới từ bắc đến phía nam Bình Thuận. Nhưng không ít điều kiện buộc triều đình không được “làm ngơ” với những toan tính mai phục. Dấu tích của một vùng đất hoang sơ, rừng núi hiểm trở, người dân bản địa Châu Mạ, K’ho, Raglai sống thưa thớt theo buôn, sách, man chỉ quen sản xuất du canh với đất lúa “sơn điền” qua mô tả của doanh điền sứ Nguyễn Thông: “La Ngư phía đông bắt đầu từ núi Ông, phía tây đến núi Kỳ Tôn (Cà Tong), phía bắc đến bờ sông La Ngư, phía nam đến núi Ông. Ruộng đã khai khẩn khoảng hơn 3.000 mẫu” (trích trong “Sớ xin khai khẩn đồn điền vùng thượng du – 1877”). Có phải đó là những gì còn lại của thời kỳ Nam kỳ biến loạn, Phan Trung tuyển mộ 1.000 nghĩa dũng, lưu dân hưởng ứng phong trào xây dựng căn cứ, tích trữ quân lương của Trương Định để tiếp tục công cuộc chống Pháp.
Căn cứ Giao Loan – Rừng Lá
Trước đó, dưới triều Nguyễn (1802 – 1861) khi Nguyễn Ánh chiếm lại Đồng Nai – Gia Định đã dự báo được tình hình và ngấm ngầm mở rộng vùng Lá Buông/ Giao Loan, khuyến khích nghề lâm sản vùng núi Chứa Chan (Gia Lào – Gia Rai). Về phía cầm quyền Pháp đặt huyện Long Khánh để quản lý dân tộc ít người. Năm 1899 thành lập quận núi Chứa Chan (tỉnh Biên Hòa) nhưng sau đó đổi tên thành quận Võ Đắt, quận lỵ đặt tại Gia Rai. Cùng thời gian này Toàn quyền Đông Dương cho tách khu thượng lưu Đồng Nai ra khỏi Bình Thuận để thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Đến năm 1912, bãi bỏ quận Võ Đắt (tại Gia Rai), thành lập quận Xuân Lộc. Thời Pháp thuộc, cao điểm núi Chứa Chan, có độ cao 847m như một tiền tiêu cho địa đầu Nam kỳ và giám sát sự động tịnh khu Giao Loan/Rừng Lá nối liền các địa bàn đường biên của các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa(3), Biên Hòa, Đồng Nai Thượng, Lâm Đồng. Địa giới hành chính giữa các tỉnh ngày xưa với Bình Thuận và các tỉnh tiếp giáp do dựa trên yếu tố tự nhiên, địa danh, dân cư nên luôn xê dịch, tách, nhập không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ những toan tính chiến lược của mỗi giai đoạn, quá trình trong chặng đường dài của lịch sử đất nước. Tuy nhiên với phần đất phía tây nam Bình Thuận, khá rõ nét với địa lý tỉnh Bình Tuy của chính quyền VNCH (1956-1975), tương đồng với vùng văn hóa miền Đông Nam bộ, cả về yếu tố địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái…
Địa danh Giao Loan xuất hiện sớm nhất khoảng cuối thế kỷ 18. Theo Địa chí Đồng Nai ở một sự kiện có ghi: “Chưởng cơ trấn Thuận Thành là Nguyễn Văn Hào và Chánh trấn Nguyễn Văn Chấn dâng sớ nói rằng: 38 sách man Trà Nương thuộc trấn, trước kia bị giặc giã phải dời sang ba đạo Đồng Môn, Hưng Phước và Lá Buông nay đã thành sản nghiệp nên nay xin đổi theo sổ đinh Trấn Biên để hàng năm nộp thuế. Nguyễn Ánh chấp thuận lời tâu này. Đầu năm 1791 dân Man ở đạo Đồng Môn nổi loạn, Nguyễn Ánh sai Tống Viết Phước đem quân đóng ở Giao Loan để vỗ về ngăn giữ”. Địa danh đạo Rừng Lá/Giao Loan được nhắc đến từ đó và về sau được coi như một căn cứ địa kháng chiến rộng lớn trong các cuộc chiến tranh giữ nước.
Nói đến địa danh Giao Loan trong lịch sử kháng chiến với khắc họa biểu tượng cây lá buông ở vùng đất hào khí, kiêu hùng nhưng cũng đầy khắc nghiệt và bí ẩn. Giao Loan/Rừng lá buông trở thành máu thịt trong đời sống bưng biền, trải rộng một vùng đất đường biên huyền thoại. Từ bẹ lá, cọng nang làm nên những vật dụng sinh hoạt thường ngày của người bản địa, dân tản cư cho đến những vũ khí thô sơ cung tên, bàn chông trong phòng thủ chống giặc. Sách “Gia Định Thành thông chí” ghi rất rõ về cây lá buông với những đặc điểm khá thú vị. Tên chữ Hán, đọc là Bối Diệp Giang, đúng ra là Lá Buôn vì xuất phát từ tên con rạch Lá Buôn nhưng do các bản đồ VNCH 1964 ghi sai là Buông.
Với người Chăm coi văn bản Lá Buông là một di sản văn hóa kỳ diệu. Thời chưa có phương tiện nào khác, kể cả giấy viết thì lá buông được dùng viết những văn bản cho kinh lễ, luật tục, lịch sử (văn bản lá buông/ agal bac). Thật tài nghệ, chỉ bằng cây bút sắt nhọn hơ lửa, viết trên từng tệp lá buông, phết lên màu mực bằng bột than bếp với tâm thế kính cẩn từ các tu sĩ, cả sư và cất giữ như báu vật thiêng liêng mãi đến sau này.
(1): Sách “Nam kỳ địa hạt tổng thôn” Nxb. Tổng hợp TP. HCM 2017. (2): Sách “Nguyễn Thông – Con người và tác phẩm”- Nxb. TP. HCM- 1984. Sông La Ngà/La Nha/La Ngư phát nguồn từ núi Phố Chiêm thuộc trấn Thuận Thành chảy về nam. Từ Phố Chiêm chảy ra bắc gọi là sông Dã Dương (Đa Dung/ Đa Dâng). Thượng lưu sông Đồng Nai (HVNTDĐC /Hoàng Việt nhất thống địa dư chí) -Sách Võ Mang tiếp giáp với thôn Võ Đắt”-“Võ Xu tiếp giáp với thôn Dã An”. Núi Bà (Lão Ấu). (3): Năm 1862, Bà Rịa được nâng thành tỉnh (ĐCĐN).