Ngày 13/2/2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 385/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 111-KH/TU, ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về việc triển khai kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai lập Đề án hình thành Khu công nghệ cao, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023.
Theo Quyết định 792/QĐ-TTg, ngày 8/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành 6 khu công nghệ cao trên cả nước. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ có bổ sung thêm Khu công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/BCT ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng Đề án thành lập khu công nghệ cao của tỉnh với diện tích khoảng 1.081 ha.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới chỉ có 4 khu công nghệ cao được thành lập và đi vào hoạt động, bao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng Nai. Qua đó, có thể thấy quá trình hình thành và xây dựng khu công nghệ cao đòi hỏi phải có định hướng thật sự cụ thể và phù hợp với quy định pháp luật liên quan cũng như phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các giải pháp xây dựng Đề án Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đầu tiên phải khảo cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm phát triển các Khu công nghệ cao trong và ngoài nước, làm rõ được điểm xuất phát của tỉnh Bình Thuận ở đâu, điều kiện hiện tại như thế nào. Cần tham khảo kinh nghiệm của các địa phương đã có sự đầu tư xây dựng và triển khai Đề án Khu công nghệ cao. Cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý cũng như ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hình thành cũng như định hướng hoạt động, phát triển hạ tầng và các lĩnh vực trong khu công nghệ cao của tỉnh Bình Thuận thông qua các cuộc hội thảo khoa học.
Khi xây dựng đề án cần dựa vào điều kiện kinh tế – xã hội và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tiềm năng, lợi thế, bất lợi và thách thức trong việc xây dựng Khu CNC của tỉnh. Các căn cứ pháp lý liên quan đến lập đề án; quy định của Trung ương hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; cần xác đinh lộ trình hình thành Khu công nghệ cao Bình Thuận một cách cụ thể. Phát triển khu công nghệ cao giống như khoa học công nghệ, cần phải có nguồn lực gắn với các trường đại học và viện nghiên cứu; gắn với hệ sinh thái cũng như các thiết chế đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế ưu đãi và chính sách đầu tư tốt. Do vậy, khi đặt ra Đề án phát triển khu công nghệ cao ở Bình Thuận cần quan tâm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng phát triển khoa học công nghệ của tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội.
Về quy hoạch, cần bổ sung Khu công nghệ cao Bình Thuận vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao quốc gia. Công tác lập quy hoạch không chỉ tập trung vào những giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mà cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, thậm chí biến cái bất lợi thành lợi thế. Phát huy tối đa các tiềm lực thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch cũng cần chú trọng khai thác liên kết vùng. Quy hoạch khu công nghệ cao cần gắn với bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu công nghệ cao (điện, nước sinh hoạt, giao thông, y tế…) tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia, người lao động, học viên đang học tập và làm việc tại Khu công nghệ cao…