Những ngày qua, có lẽ tin vui nhất của nông dân trồng lúa trong tỉnh là giá lúa cao kỷ lục, vượt trên 9.500 đồng/kg. Trung bình người trồng lúa có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Khắp các cánh đồng, bà con đã và đang tiến hành thu hoạch, phơi lúa để kịp thời vụ tiếp theo.
Giá lúa cao kỷ lục
Ghi nhận ở 2 huyện phía Bắc tỉnh là Tuy Phong và Bắc Bình, những ngày này nông dân tất bật ngoài đồng ruộng để thu hoạch, phơi lúa. Ánh nắng gay gắt ngay từ sáng sớm xuyên qua những cánh đồng lúa chín vàng như ủng hộ bà con thu hoạch thêm thuận lợi. Ở huyện Tuy Phong, nông dân cơ bản đã thu hoạch xong lúa vụ mùa diện tích trên 2.000 ha, với các loại giống chủ yếu là giống ML48 và Đài Thơm 8, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Đáng phấn khởi, khi đúng vào thời vụ thu hoạch, thị trường mua bán lúa lại vô cùng sôi động chưa từng có, với giá khoảng 9.600 đồng/kg.
Thời điểm này, nông dân trồng lúa huyện Bắc Bình cũng bắt đầu bước vào thu hoạch rộ lúa vụ mùa. Gặp gỡ ông Bình Văn Việt – nông dân trồng lúa tại xã Phan Thanh, được biết gia đình ông sản xuất 1,5 ha lúa trên cánh đồng Mới. Dù đang thu hoạch, nhưng theo ước tính của ông Việt, ở vụ mùa này năng suất lúa khoảng 5 tấn/ha, với giá bán cao như hiện nay, ước tính sau khi trừ chi phí đầu tư sẽ thu lãi khoảng 50 triệu đồng.
Nông dân này chia sẻ thêm, vụ mùa năm nay thuận lợi hơn cùng kỳ năm ngoái, một phần bởi giá bán lúa cao, trong khi giá bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dù vẫn đang ở mức cao, nhưng vẫn có giảm và bình ổn hơn năm ngoái, giúp bà con giảm bớt chi phí đầu vào. Tuy nhiên, người trồng lúa huyện Bắc Bình cũng bày tỏ lo lắng, ở trà lúa mùa, một số diện tích lúa của gia đình nói riêng và các hộ khác bị sâu đục thân gây hại và lúa “lẫn”, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Do đó, bà con mong muốn giá lúa hiện nay giữ ổn định để tăng thu nhập, tái đầu tư ở vụ đông xuân tới.
Cần sự bền vững
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất gieo trồng năm 2023 của tỉnh thời tiết khá thuận lợi. Lượng nước tích tại các hồ đập đảm bảo sản xuất, đảm bảo diện tích gieo trồng các loại cây tương đối đạt so với kế hoạch. Tuy nhiên vào cuối vụ hè thu và đầu vụ mùa 2023, các đợt mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ một số cánh đồng làm giảm năng suất. Đồng thời ảnh hưởng đến thời gian xuống giống vụ mùa nên thời gian kết thúc gieo trồng vụ mùa kéo dài hơn kế hoạch dự kiến khoảng 20 ngày. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng tiếp tục diễn biến bất lợi cho sản xuất, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch như rầy nâu trên cây lúa. Việc liên kết sản xuất mặc dù được quan tâm triển khai nhưng kết quả còn hạn chế, chưa thật sự vững chắc, chưa tạo động lực cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường.
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá cả thị trường biến động, giá lúa theo đà tăng vọt khiến nông dân phấn khởi, từ đó có thể cho thấy ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang khởi sắc. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, ở một khía cạnh khác của các doanh nghiệp ngành lúa gạo lại đang lo lắng vì các đơn hàng xuất khẩu đã ký từ trước với mức giá thấp hơn, nhưng sau khi xuất hết hàng tồn kho sẽ phải mua với giá cao hơn để giao hàng, rất dễ dẫn tới thua lỗ. Đó là chưa kể đến các chuỗi liên kết thu mua lúa gạo ở trong nước nói chung và Bình Thuận nói riêng (như Tập đoàn Lộc Trời) lâu nay đang giữ mức giá ổn định. Nhưng chính sự tăng giá lúa bất ngờ như hiện nay, khiến sự lo lắng về tính liên kết sẽ bị ảnh hưởng, do nông dân thấy lợi nhuận từ mức giá thị trường cao, trong khi giá bán liên kết ổn định, nhưng thấp hơn giá thị trường. Do đó, việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân – doanh nghiệp cần được các bên tính toán kỹ lưỡng, tránh “bẻ kèo” như không ít liên kết nông sản đang có hiện nay.
Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay Bình Thuận đang tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp có năng lực liên kết phát triển vùng sản xuất lúa giống tập trung. Đồng thời đã xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao. Hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh ở vùng sản xuất trọng điểm lúa tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.
Diễn biến lên xuống của thị trường giá cả nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng vẫn không ngừng tiếp diễn. Nhưng trước mắt, khi hiện nay giá lúa tăng kỷ lục trong nhiều năm qua, khả năng sẽ tạo sức bật của ngành hàng lúa gạo?
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2023 toàn tỉnh ước đạt khoảng 56.011 ha, trong đó có 44.764 ha cây lương thực (lúa 40.391 ha, bắp 4.373 ha), sản lượng lương thực ước đạt 246.500 tấn (lúa 220.131 tấn, bắp 26.369 tấn).