Những ngày qua, thông tin 1 tàu cá ở Kiên Giang giấu thiết bị giám sát hành trình (VMS) của 14 tàu cá khác khiến ngành chức năng lại “đau đầu” khi tình trạng này ngày càng phổ biến. Đây không phải là trường hợp đầu tiên một số tàu cá cố tình gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác để đi đánh bắt hải sản trái phép…
Thời gian qua, việc lắp đặt thiết bị VMS đã góp phần không nhỏ giúp cơ quan quản lý theo dõi, kiểm soát đội tàu trong thực thi Luật Thủy sản, cũng như thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt là ngăn ngừa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá mất tín hiệu khi khai thác thủy sản khá phổ biến, hoặc xảy ra trường hợp gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác để “đối phó” cơ quan chức năng.
Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã xảy ra tình trạng tương tự và ngành chức năng tỉnh này đã thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của 7 tàu cá liên quan đến vụ một tàu cá giấu 10 thiết bị VMS của nhiều tàu cá khác để nhận lại hàng chục lít nhiên liệu. Với mỗi thiết bị VMS được gửi, chủ tàu sẽ nhận từ 30 lít đến 60 lít dầu.
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, trong năm 2023, lực lượng của đơn vị đã bắt giữ, xử lý hàng chục tàu cá có hành vi vi phạm tháo thiết bị VMS chuyển sang tàu cá khác che giấu trái phép. Mặc dù ngành chức năng tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhưng nhiều ngư dân vẫn cố tình vi phạm vì lợi ích trước mắt, vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng khi thủy sản Việt Nam bị cảnh báo “thẻ đỏ”, nếu đợt thanh tra lần 5 này thất bại.
Tại Bình Thuận, chưa xảy ra tình trạng gửi thiết bị VMS cho tàu cá khác, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp mất kết nối VMS trên 10 ngày. Do đó, trong văn bản hỏa tốc mới đây về việc rà soát công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Thanh tra của EC lần thứ 5, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh phải tổ chức điều tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tàu mất kết nối tín hiệu VMS của tỉnh, xử lý đến tận cùng vụ việc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn 2999/BNN-TS1. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý các tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển theo đúng quy trình, quy định.
Mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 2 tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tổ chức trao đổi về việc xử lý đối với các tàu cá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bán và đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua theo dõi đã phát hiện 6 tàu cá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận bị mất kết nối VMS trên 10 ngày. Đây là những phương tiện thường xuyên hoạt động ở các vùng biển xa, dài ngày và có thời gian dài không trở về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng 2 tỉnh và các phòng chuyên môn đã trao đổi cụ thể thông tin của 6 tàu cá trên, đồng thời, thống nhất biện pháp xử lý đối với 6 tàu cá. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng của các tỉnh, thành, thì công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với phương tiện hoạt động giữa các vùng biển sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin trong triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác IUU hay xử lý các hành vi vi phạm sẽ nhanh chóng và đồng bộ hơn.
Để chấm dứt tình trạng này, trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối/tàu cá vượt ranh giới trên biển từ Chi cục Thủy sản, phối hợp nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng khắc phục tín hiệu kết nối (hoặc kêu gọi tàu cá quay trở lại ranh giới trên biển), đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý, xử phạt theo thẩm quyền. Ngoài ra, kịp thời trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến tàu cá mất kết nối/vượt ranh giới trên biển với các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Thuận, để xử lý theo quy định.