Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đối với quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các chương trình phát triển kinh tế – xã hội hiện đang triển khai ở địa phương nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ là người DTTS, từ đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào DTTS phản ánh, với Đảng và Nhà nước, với địa phương.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã tạo động lực để đồng bào các dân tộc trong tỉnh Bình Thuận nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, từ đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS của tỉnh, đời sống của bà con từng bước được cải thiện, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; mặt bằng dân trí được nâng lên. Đến nay, về cơ bản đã xóa được cái đói, giảm hộ nghèo, có nhà ở, có đất sản xuất, có nước sinh hoạt, con em được đi học, ốm đau được chữa bệnh… Có được những kết quả đó, là có một phần đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng thôn và người có uy tín và cán bộ là người DTTS. Với uy tín của mình, đội ngũ này đã tuyên truyền, thuyết phục và động viên người dân đi theo Đảng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Qua đó, tình hình tư tưởng của đồng bào các DTTS tại Bình Thuận tiếp tục được giữ ổn định, gắn kết cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương.
Xác định công tác nắm bắt tư tưởng trong đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các địa phương trong tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống chú trọng thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào, nhất là trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đội ngũ cán bộ là người DTTS để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như thông qua họ để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Lực lượng này cũng tham gia thực hiện việc tuyên truyền, vận động và hòa giải ngay từ cơ sở không để phát sinh điểm nóng, khiếu nại đông người.
Theo Ban Dân tộc, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chính sách dân tộc đặc thù trên cơ sở vận dụng những chính sách của Trung ương và tình hình thực tế vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh còn chăm lo phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào DTTS. Tạo điều kiện để đồng bào DTTS phát huy các lễ hội mang tính truyền thống, như Lễ hội Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm, Tết Đầu lúa của người Rắc Lay, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa… đến các loại hình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu trong cộng đồng. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các cơ sở dạy chữ viết, tiếng mẹ đẻ cho đồng bào DTTS; tích cực bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS… Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi còn một số tồn tại như phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế. Một bộ phận đồng bào DTTS nhận thức chưa đầy đủ về chính trị – xã hội, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật còn nhiều vấn đề đáng quan tâm…
Chính vì vậy, việc tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đồng bào DTTS đối với quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tỉnh nhà. Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các chương trình phát triển kinh tế – xã hội hiện đang triển khai ở địa phương nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp, của cán bộ làm công tác dân tộc; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ cán bộ là người DTTS, từ đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào phản ánh với Đảng và Nhà nước, với tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào các DTTS; phát huy hơn vai trò người có uy tín tiêu biểu đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh để phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy quyền và trách nhiệm của đồng bào DTTS trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để cầu nối sớm đưa ý Đảng đến với đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận, bên cạnh tuyên truyền, vận động, giải pháp trọng tâm vẫn là phát triển toàn diện kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó quan tâm hơn đến đặc thù của đồng bào DTTS. Các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn thì vai trò của đội ngũ cán bộ là người DTTS rất quan trọng không chỉ làm nhiệm vụ là chiếc cầu nối đưa ý Đảng đến với đồng bào, mà còn là người trực tiếp nắm bắt và truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với Đảng và Nhà nước, với tỉnh nhà. Vì vậy, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ là người DTTS là vô cùng quan trọng trong giai đoạn mới. Thực tế hiện nay cho thấy, với việc quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ là người DTTS trên lĩnh vực công tác ở các địa phương trong tỉnh, họ cũng đã thể hiện được vai trò của mình trong từng lĩnh vực được giao. Việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ là người DTTS là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đồng bào DTTS cần được quan tâm trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Qua thực tế công việc từ tỉnh, huyện đến các xã đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của những cán bộ là người DTTS, họ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, cũng như củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa bàn trong toàn tỉnh. Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua sẽ là động lực để đồng bào các DTTS tỉnh ta phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, luôn bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng chung tay, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày một phát triển, giàu đẹp, văn minh chính là điểm tựa, là cầu nối rất quan trọng để sớm đưa ý Đảng đến với đồng bào các DTTS ở tỉnh Bình Thuận.