Thông qua tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP (sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế địa phương) của Bình Thuận đã từng bước vươn xa, đến gần hơn với người tiêu dùng khắp nơi…
Trên lĩnh vực Công Thương, năm nay công tác xúc tiến thương mại được đơn vị chức năng của tỉnh phối hợp triển khai nhiều hoạt động đem lại kết quả đáng ghi nhận. Thông qua đó, các sản phẩm OCOP của Bình Thuận cũng có cơ hội quảng bá thương hiệu, liên kết sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ bên trong, ngoài tỉnh. Như trong năm nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận đã tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh: Tại Phú Quý (tháng 4/2023), Bắc Bình và Hàm Tân (tháng 7/2023). Đối với chương trình xúc tiến thương mại nội địa, ngành Công Thương Bình Thuận còn phối hợp tổ chức hoặc tích cực tham gia một số hội chợ triển lãm, hội chợ Festival, hội chợ OCOP… được tổ chức tại các tỉnh thành, cấp khu vực.
Nổi bật ở Hội chợ triển lãm Công Thương – Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2023 diễn ra từ ngày 19 – 25/10 tại TP. Phan Thiết đã có hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước đăng ký tham gia với 248 gian hàng (trong đó có 56 gian hàng sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận). Theo ghi nhận của Ban tổ chức, hội chợ lần này thu hút khoảng 60.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và doanh thu bình quân của các đơn vị tham gia ước đạt hàng tỷ đồng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp xúc, trao đổi quảng bá và giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu mà nhất là với sản phẩm OCOP. Đồng thời còn tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển…
Còn với Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung lần thứ 23 năm 2023 vừa diễn ra trong tháng qua (từ 10 – 15/11) tại Lào Cai có quy mô 529 gian hàng tiêu chuẩn, 88 khu trưng bày triển lãm. Trong đó Việt Nam tham gia 349 gian hàng của 165 doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành trên cả nước, phía Trung Quốc có 156 gian hàng và 8 quốc gia khác góp mặt với 24 gian hàng. Được biết Bình Thuận góp mặt ở hội chợ này với quy mô 6 gian hàng, gồm 4 gian hàng tiêu chuẩn và 2 gian hàng trưng bày tại khu triển lãm tập trung. Chủ yếu giới thiệu thanh long tươi và các sản phẩm chế biến từ trái thanh long Bình Thuận, sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh… Bên cạnh đó cũng tăng cường cung cấp thông tin, mời dùng thử sản phẩm, gởi tập gấp giới thiệu doanh nghiệp để đối tác nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi thông tin hướng tới xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã có một số doanh nghiệp của tỉnh như Hợp tác xã hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững Bình Thuận, Công ty TNHH SX – TMDV – XNK Yến Nhất Vương ký kết được hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc… Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được vùng nguyên liệu đặc sản, nhờ đó tạo điều kiện phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống… Thực tế cho thấy thời gian qua, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ đều được các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng. Do vậy tới đây, công tác xúc tiến thương mại cần được quan tâm, hỗ trợ kinh phí để triển khai các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó tiếp tục đưa sản phẩm OCOP Bình Thuận ngày càng vươn xa…