Nâng cao trình độ tiếng Việt cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là chìa khóa giúp các em nắm vững các môn học khác. Vì thế, nhiều mô hình dạy và học thiết thực được triển khai giúp học sinh thêm hứng thú, tìm hiểu tiếng Việt. Cuối tuần qua là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thú vị được Trường tiểu học và trung học cơ sở Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) phối hợp tổ chức tại sân trường, đó là “Ngày hội sách và văn hóa đọc”.
7 giờ chương trình mới bắt đầu, nhưng hơn 400 học sinh của ngôi trường thuộc vùng đồng bào DTTS này đã có mặt từ rất sớm để chờ đợi ngày hội diễn ra. Từng ánh mắt dõi theo, rồi vây quanh khi chiếc xe lưu động của Thư viện tỉnh dừng hẳn trước sân.
Dường như hiểu được sự háo hức của học trò, thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Đông Giang chia sẻ: Toàn trường có 610 học sinh, thì học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Trong đó bậc tiểu học 400 em, bậc trung học cơ sở 210 em. Đời sống gia đình các em còn khó khăn nên việc mua sách, truyện để đọc rất hiếm. Dù nhà trường đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh” giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách, tuy nhiên số lượng đầu sách vẫn chưa phong phú, hấp dẫn. Vì thế được nhận thêm các tủ sách với gần 1.000 bản trong “Ngày hội sách và văn hóa đọc” năm 2024 sẽ giúp thầy và trò có thêm tài liệu để đọc. Đặc biệt, hoạt động của chuyến xe Thư viện lưu động không đơn thuần cung cấp sách, truyện các loại mà còn giúp các em tiếp cận tri thức dưới nhiều hình thức, như truy cập internet, nghe nhìn qua ti vi, rèn luyện kỹ năng tự học, tự đọc, làm việc nhóm, hoạt động trò chơi, thi chỉ số cảm xúc thông qua thước phim về những chú lính cứu hỏa… nhằm nâng cao vốn hiểu biết và tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt.
Cầm trên tay cuốn sách dành cho tuổi vị thành niên, em K` Thị Châu – lớp 8 phấn khởi: Ở nhà em không có sách, truyện để đọc, nên nhờ các hoạt động ở trường em mới đọc được nhiều cuốn sách hay.
Cô Lương Thị Việt Anh – giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, người có 24 năm giảng dạy tại các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi cho biết: Đa số cha mẹ các em lo làm kinh tế, ít quan tâm đến việc học tập của con. Nếu có điều kiện xuống trung tâm huyện hay thành phố Phan Thiết cũng chỉ mua đồ chơi, đồ ăn mà không đưa con vào nhà sách. Trong khi ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của các em là tiếng dân tộc, vì vậy để tăng cường vốn tiếng Việt và kiến thức, các thầy cô trong trường luôn khuyến khích học sinh đọc cho nhau nghe, đọc vào giờ sinh hoạt đầu giờ, tìm tài liệu bổ sung cho từng môn học để mở rộng kiến thức và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra yêu cầu tham gia vào tiết học, tương tác cùng thầy cô để chất lượng buổi học tốt hơn, góp phần nâng cao văn hóa đọc của học sinh, của cán bộ giáo viên.
Hình ảnh lãnh đạo các sở và thầy, cô giáo cùng tham gia đọc sách với học sinh trong ngày hội văn hóa đọc tại sân Trường tiểu học và trung học cơ sở Đông Giang thật gần gũi, ý nghĩa. Ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Những năm tiếp theo, ngày hội sẽ tiếp tục được ưu tiên tổ chức ở cơ sở, ở các vùng khó khăn, góp phần trao tặng nguồn tri thức, tạo ra những giá trị lâu dài phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.