Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới kéo dài 4 ngày, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng.
Tuy nhiên, tình trạng lấy hình ảnh của resort, khách sạn sau đó lập trang web, fanpage Facebook giả mạo chính resort đó, rồi lừa khách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt cũng đang rất phổ biến.
“Suýt mất tiền oan vì ham giá rẻ”
Không ít trường hợp du khách đặt phòng thông qua trang Facebook của các resort, khách sạn, đã thanh toán tiền hoặc đặt cọc 30-50% nhưng khi đến nhận phòng lại phát hiện bị lừa đảo vì nhân viên của các cơ sở nói trên thông báo, không có khách hàng đặt phòng có tên như đã trình bày.
Phi Long (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, Long và gia đình suýt bị lừa khi đặt cọc trên một fanpage giả mạo trên Facebook của một khách sạn 4 sao tại TP Vũng Tàu trong dịp lễ sắp tới.
Báo giá từ fanpage thật (bên trái) và fanpage giả mạo (bên phải) cho thấy có sự khác biệt rất nhiều về giá, fanpage giả mạo đưa ra ưu đãi để đánh vào tâm lý khách hàng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Long cho biết khi hỏi thông tin và giá phòng thì họ tư vấn rất bài bản và còn giới thiệu chương trình khuyến mại 30%. Thấy giá giảm sâu Long định chuyển tiền để giữ chỗ, tuy nhiên, vì có công việc đột xuất nên Long đã phải dời lịch đi. Sau đó khoảng một tuần, Long tìm lại để liên hệ đặt phòng thì thấy fanpage này đã đổi tên thành một khách sạn khác cũng ở địa bàn TP Vũng Tàu.
Long thử tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook thì tìm ra fanpage thật của khách sạn cùng bài đăng cảnh báo lừa đảo thì mới vỡ lẽ ra là mình đã suýt bị lừa.
Sự việc tương tự cũng xảy ra tại một resort lớn tại Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Các đối tượng lừa đảo tạo một trang giả mạo trên Facebook cùng tên với trang của cơ sở lưu trú thật. Các đối tượng này đã sao chép toàn bộ hình ảnh, video của resort và chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều người dùng hơn.
Từ đầu năm đến nay, resort này đã đăng rất nhiều bài cảnh báo lừa đảo từ nhiều fanpage giả mạo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vì hành vi ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều khách hàng bị “sập bẫy”.
Một resort tại Mũi Né liên tục cảnh báo lừa đảo tài khoản giả mạo đến khách (Ảnh chụp màn hình).
Một chủ kinh doanh homestay ở Đà Lạt chia sẻ, anh từng tiếp nhận rất nhiều lượt khách đến homestay nhưng khi kiểm tra thì lại không hề có thông tin đặt phòng. Khi khách hàng mở tin nhắn xác nhận đặt phòng thì homestay mới phát hiện được gửi từ fanpage giả mạo.
Anh vội vàng đăng bài cảnh báo lên Facebook và tùy vào tình trạng phòng sẽ cố gắng hỗ trợ giảm tiền cho những khách đã bị lừa mất tiền. “Nhưng nếu tình hình này tiếp tục diễn ra thì nhà anh cũng không thể hỗ trợ mãi như vậy được, anh cũng đã cảnh báo rồi chỉ mong khách hàng cẩn thận hơn”, anh nói.
Anh cũng chỉ ra một số điểm phân biệt giữa các fanpage thật và giả, fanpage giả thường sẽ ít thông tin và lượt tương tác rất ít, một số bài đăng bị thả phẫn nộ từ các khách hàng bị lừa.
Không chỉ các cơ sở lưu trú, nhiều đối tượng đã mở rộng chiêu trò này đến các nhà xe, vé máy bay và bán vé giả cho khách hàng. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Trí, ban đầu các đối tượng lừa đảo lập ra các trang giả mạo trên mạng xã hội và đặt tên giống với các cơ sở lưu trú, nhà xe. Họ sao chép và đăng tải những nội dung giống với trang chính thức.
Bên cạnh đó, những đối tượng này còn dùng tương tác giả, chạy quảng cáo để dễ tiếp cận và đánh lừa khách hàng. Họ tư vấn rất chuyên nghiệp và thường đi kèm với chương trình khuyến mãi trong khi những cơ sở lưu trú chính gốc thì không có những chương trình này.
Kẻ giả mạo thường yêu cầu khách hàng đặt cọc 30-50% để giữ phòng, có nơi yêu cầu chuyển toàn bộ để giữ chương trình khuyến mãi. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, các đối tượng lừa đảo chặn tài khoản và cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Làm gì để tránh mất tiền oan khi du lịch mùa lễ?
Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, khách du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch) nổi tiếng.
Bên cạnh đó, khi đặt phòng, vé xe, khách du lịch cũng cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào với mức giá rẻ, rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường.
Đặc biệt thận trọng khi đơn vị yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp nếu không thông qua công ty du lịch hay ứng dụng du lịch.
Đồng thời, người đặt phòng cũng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự.
Đặc biệt, khách du lịch nên ưu tiên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả…
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/du-lich-nghi-le-29-de-tranh-mat-tien-oan-truoc-bay-dat-phong-truc-tuyen-20240821105121145.htm