Bước sang năm mới, điểm đến Bình Thuận đón nhận những thông tin liên quan với tín hiệu tích cực và đó như một niềm khích lệ để du lịch địa phương hướng tới mục tiêu cao hơn…
“Top đầu” của những điểm đến…
Cụ thể, công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam trong năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu và đứng trên Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12), Philippines (14). Trong nhóm 10 thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam năm vừa qua có: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia, Thái Lan. Đối với những điểm đến trên dải đất hình chữ S được tìm kiếm nhiều nhất thì ngoài 2 trung tâm lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội còn có Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Phan Thiết, Vũng Tàu.
Mới đây, chuyên trang du lịch Travel Off Path của Mỹ cũng đã ca ngợi Việt Nam là quốc gia an toàn nhất, đồng thời nằm trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á trong năm 2024. Bài viết trên trang này cho rằng những ai muốn trải nghiệm và khám phá thiên nhiên cũng như văn hóa bản địa độc đáo thì Việt Nam là nơi đến lý tưởng. Cho dù đi từ Bắc vào Nam hay ngược lại, khách du lịch nên dành thời gian đắm mình trong không gian phố cổ Hội An đầy quyến rũ. Một địa điểm không thể bỏ qua đó là cố đô Huế, tiếp đó điểm dừng chân không thể bỏ lỡ là Đà Nẵng với những bãi biển trải dài, bờ cát trắng mịn và những khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc. Đáng chú ý, trong bài viết còn nhắc đến địa danh Mũi Né thuộc tỉnh Bình Thuận với những cồn cát vàng, làng chài ven biển yên bình và thơ mộng…
Với dữ liệu tìm kiếm của Công ty lữ hành trực tuyến Booking.com cũng cho thấy du khách Việt Nam thể hiện sự yêu thích đặc biệt cho chuyến nghỉ dưỡng bên bờ biển đối với kỳ nghỉ lễ cuối năm. Bởi 5 trong số 10 điểm đến trên cả nước được khách nội địa tìm kiếm nhiều nhất (với ngày nhận phòng từ 1/12/2023 đến 29/2/2024) là những điểm đến gần biển. Đó là bên cạnh các điểm đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Sa Pa, Hội An còn có Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang và Mũi Né.
Hướng tới mục tiêu cao hơn
Những thông tin liên quan điểm đến Bình Thuận nêu trên đều mang tín hiệu tích cực cho ngành du lịch địa phương vào thời điểm đầu năm, đồng thời đang chuẩn bị cho cao điểm đón khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thế nên đây sẽ là niềm khích lệ để ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh tiếp tục hướng tới mục tiêu cao hơn trong năm nay: Đón 8,8 triệu lượt khách (riêng khách quốc tế có 350.000 lượt), phấn đấu duy trì trong top những điểm đến đạt doanh thu du lịch cao nhất cả nước.
Nhìn lại năm đã qua, du lịch Bình Thuận đã thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ khi đón lượng khách đạt khoảng 8,35 triệu lượt, tăng xấp xỉ 46% so năm trước đó (khách quốc tế có 274.300 lượt khách, tăng 3,13 lần). Đối với thực hiện chỉ tiêu về doanh thu từ hoạt động du lịch cũng ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so năm 2022. Có thể nói, đạt được kết quả này là nhờ du lịch địa phương tận dụng khá tốt cơ hội khi đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, khai thác sức hút từ tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Phan Thiết được đưa vào sử dụng… Còn “mở màn” cho năm mới là dịp Tết Dương lịch 2024, chỉ với kỳ nghỉ lễ ngắn ngày nhưng toàn tỉnh đã đón gần 110.000 lượt khách, đạt doanh thu khoảng 230 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, gần đây đối tượng khách quốc tế dành nhiều sự quan tâm cho du lịch Việt Nam là vì sức hấp dẫn của thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… Trong khi khách nội địa thì ưa chuộng những điểm đến nổi bật với “biển xanh – cát trắng – nắng vàng”, thời gian di chuyển thuận lợi, được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới lạ và thưởng thức đa dạng hải sản tươi ngon… Như vậy với xu hướng du lịch hiện nay, Bình Thuận được dự báo vẫn là điểm đến hút khách vào thời gian tới nhờ sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế và các yếu tố thuận lợi có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả đối tượng du khách.
Dù vậy, để thu hút lượng khách đông đảo và đem lại nguồn thu lớn trên lĩnh vực này thì du lịch Bình Thuận cần quan tâm “làm mới” mình và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến giới thiệu điểm đến ra bên ngoài. Tích cực mời gọi đầu tư cũng như tập trung khai thác hiệu quả lợi thế những sản phẩm đặc trưng của địa phương, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình vui chơi giải trí, khám phá, trải nghiệm… nhằm giữ chân du khách lưu trú lâu hơn và thoải mái chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến “An toàn – thân thiện – hấp dẫn – chất lượng”. Qua đó hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế vững chắc của tỉnh cũng như góp phần nâng cao sức cạnh tranh mang tầm quốc gia, quốc tế cho điểm đến Bình Thuận.